Dưới đây là 4 dấu hiệu nhận biết ung thư thanh quản bạn cần biết để việc điều trị bệnh mang lại hiệu quả cao nhất.
Ung thư thanh quản không phải là loại ung thư phổ biến, tỷ lệ mắc bệnh chỉ từ 5,7% đến 7,6% trong số các khối u ác tính toàn thân. Hơn nữa, tỷ lệ sống sót khi phát hiện bệnh ung thư thanh quản giai đoạn sớm có thể lên tới 80%. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì khả năng khỏi bệnh là rất cao.
Tuy nhiên, do thiếu kiến thức về bệnh ung thư thanh quản nên nhiều người thường coi nhẹ các triệu chứng như ho, khàn tiếng, khó thở như những bệnh thông thường, từ đó trì hoãn quá trình điều trị bệnh.
Dưới đây là 4 dấu hiệu sớm của bệnh ung thư thanh quản, mọi người nên chú ý.
1. Khàn giọng
Triệu chứng rõ ràng nhất của ung thư thanh quản là khàn tiếng và tình trạng này diễn ra dai dẳng, ngày càng trầm trọng hơn. Khàn tiếng do viêm nhiễm thông thường kéo dài trong thời gian ngắn. Nếu chứng khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt ở độ tuổi trên 40 cần được thăm khám kịp thời. Đây là triệu chứng ung thư thanh quản sớm, thường gặp và đôi khi là duy nhất ở nhiều bệnh nhân.
2. Ho, khạc ra máu
Ung thư thanh quản giai đoạn đầu có thể khiến người bệnh sẽ cảm thấy đau và cảm giác có dị vật ở cổ họng. Khi bệnh tiến triển đến một mức độ nhất định sẽ gây ngứa rát cổ họng. Hậu quả là bệnh nhân sẽ bị ho, ho dữ dội sẽ khiến khối ung thư thanh quản bị vỡ ra, đờm của bệnh nhân ho ra sẽ có màu đỏ ngầu, và lúc này hầu hết ung thư thanh quản đã phát triển đến giai đoạn giữa.
3. Khó nuốt và khó thở
Sau khi ung thư thanh quản phát triển to lên sẽ chiếm toàn bộ vùng hầu họng khiến người bệnh có triệu chứng khó nuốt, khó thở. Thông thường khi có những biểu hiện như vậy thì hầu hết bệnh ung thư thanh quản đã chuyển sang giai đoạn nặng. Bệnh nhân ở giai đoạn này không ăn cơm được, chỉ ăn cháo hoặc uống sữa, thậm chí phải đặt ống sonde dạ dày để bơm thức ăn.
4. Xuất hiện khối u ở cổ
Nếu ung thư thanh quản di căn, sẽ xuất hiện các khối ở cổ, hầu hết xảy ra dưới góc hàm dưới. Các khối xuất hiện lúc đầu mềm, có thể đẩy ra được, khi phát triển đến giai đoạn sau thì khối u không thể di chuyển và kết cấu sẽ cứng hơn.
Sút cân không rõ nguyên nhân kèm theo những bất thường nói trên là bằng chứng rõ ràng cho bệnh ung thư thanh quản. Do đó, bạn cần lưu ý thăm khám kịp thời để xác định tình trạng và có phương án đối phó phù hợp.
Bốn yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản
1. Hút thuốc
Theo các nghiên cứu liên quan, hầu hết bệnh nhân ung thư thanh quản đều hút thuốc lá nặng lâu năm, tần suất hút thuốc lá hàng ngày tỷ lệ thuận với xác suất mắc ung thư thanh quản. Thuốc lá sẽ tạo ra một lượng lớn nhựa thuốc lá trong quá trình đốt cháy, và chất benzopyrene chứa trong nó là chất gây ung thư. Những chất này có thể gây sung huyết, phù nề, tăng sản biểu mô niêm mạc dẫn đến ung thư.
2. Uống rượu
Theo các khảo sát, những người uống rượu trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản cao gấp 1,5 - 4,4 lần so với người không uống rượu.
Những người sử dụng cả thuốc lá và rượu có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Kết hợp 2 thói quen này không chỉ thêm cả hai rủi ro lại với nhau mà còn nhân lên gấp bội. Những người hút thuốc và uống rượu có nguy cơ bị ung thư đầu và cổ cao hơn nhiều lần so với những người không có thói quen.
3. Dinh dưỡng kém
Chế độ dinh dưỡng kém có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản. Lý do chính xác cho điều này không rõ ràng. Những người nghiện rượu nặng thường bị thiếu hụt vitamin, điều này có thể giúp giải thích vai trò của rượu trong việc tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư này.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh thói quen ăn uống và nguy cơ. Người ta cho rằng ăn ít đồ chiên rán và thực phẩm chế biến sẵn và ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật hơn có thể giúp giảm nguy cơ ung thư thanh quản.
3. Khói bếp
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (một bộ phận của Tổ chức Y tế Thế giới WHO), khói dầu (khói từ món ăn được chế biến với dầu) được xếp vào nhóm chất gây ung thư 2A - nhóm các hợp chất "có thể gây ung thư trên người" cùng với thịt đỏ.
Trong dầu ăn chứa tương đối nhiều axit béo không bão hòa như axit linoleic, khi dầu ăn được đun nóng đến 60 độ C thì bắt đầu oxy hóa, khi đến 130 độ C thì chất oxy hóa bắt đầu phân hủy, tạo thành nhiều hợp chất, trong những hợp chất này có một số chính là chất gây ung thư. Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng cao sẽ gây kích ứng niêm mạc mắt, mũi, họng gây viêm giác mạc mãn tính, viêm khí quản, viêm mũi, viêm thanh quản, thậm chí ung thư.
4. Tiếp xúc hóa chất độc hại
Tiếp xúc lâu và trực tiếp với bụi gỗ, khói sơn và một số hóa chất được sử dụng trong ngành công nghiệp gia công kim loại, dầu khí, chất dẻo và dệt may có thể làm tăng nguy cơ ung thư thanh quản và hạ họng.
Amiăng là một loại sợi khoáng thường được sử dụng làm vật liệu cách nhiệt trong nhiều sản phẩm trước đây. Tiếp xúc với amiăng là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với ung thư phổi và ung thư trung biểu mô (ung thư bắt đầu từ niêm mạc của ngực hoặc bụng). Một số nghiên cứu đã đưa ra mối liên hệ giữa phơi nhiễm amiăng và ung thư thanh quản.