Bệnh lý tiêu chảy cấp là một trong các bệnh lý hay gặp nhất ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ em dưới 3 tuổi.
Vào lúc 18h ngày 1/4, gia đình đã đưa bé N.P.A.T (10 tháng tuổi, ngụ tại Ninh Kiều, Cần Thơ), đến một bệnh viện trên địa bàn cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, sốc mất nước nặng, mạch bằng không, huyết áp bằng không, toàn thân tím, thở yếu, nhịp tim nhanh trên 200 lần/phút. Qua thăm khám, bé được chẩn đoán sốc giảm thể tích/ tiêu chảy cấp do vi khuẩn.
Theo thông tin từ gia đình, bé bắt đầu nôn ói, sốt và tiêu chảy liên tục từ ngày hôm trước và được điều trị bác sĩ tư tại địa phương nhưng tình trạng không cải thiện. Ngay khi nhập viện, bệnh nhi được ê kip bác sĩ - điều dưỡng trực nhi tiến hành cấp cứu khẩn cấp. Sau hơn 2 tiếng cấp cứu, bệnh nhi từ từ tỉnh lại, mạch, huyết áp ổn định, chi hồng, da giảm bông tím, nhịp tim còn 110 lần/phút. Bé được tiếp tục điều trị truyền dịch bù nước điện giải, điều chỉnh kiềm toan, kháng sinh truyền tĩnh mạch và bắt đầu cho ăn bằng đường miệng ngay sau đó. Hiện tại tình trạng bệnh nhi đã ổn định và đã được cho xuất viện.
Hiện sức khỏe bé đã ổn định.
Theo BS.CKI Phạm Ngọc Nương – Trưởng Khoa Nhi của bệnh viện, tiêu chảy do nhiều nguyên nhân như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.Trong đó, Rotavirus là loại virus hay gặp nhất, thường bắt đầu với triệu chứng nôn ói nhiều, sau đó sẽ tiêu chảy. Khi tiêu chảy thì nôn ói giảm.
“Trẻ tiêu chảy nhiều, tốc độ đào thải phân cao nên dễ dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh cũng có thể gây ra bởi nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột, đặc biệt vi khuẩn E.Coli, loại vi khuẩn này hiện nay kháng hầu hết các loại kháng sinh mà các bệnh viện đang sử dụng. E coli chỉ còn nhạy với một số kháng sinh thế hệ mới khá đắt tiền”, BS Nương nói.
Tiêu chảy cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 3 tuổi.
Ngoài ra, tiêu chảy cấp còn có thể do dị ứng thức ăn, do rồi loạn tiêu hóa - hấp thu, do bệnh lý khác như viêm ruột thừa, lồng ruột.
Bệnh khởi phát bởi biểu hiện như:
- Biếng ăn
- Bú kém
- Đau bụng
- Nôn ói
- Tiêu nhiều lần, có thể 1-2 lần đầu phân sệt, tiếp theo phân lỏng, màu vàng hoặc xanh rêu, có đàm, máu lẫn trong phân.
Các triệu chứng đi kèm theo: Sốt, sốt cao, trẻ bứt rứt, quấy nhiều, khát nước, môi khô, mắt và thóp trũng, bụng chướng. Nếu trẻ đi tiêu lỏng nhiều lần kèm nôn ói nhiều liên tục dễ đưa đến mất nước nặng, rối loạn tri giác li bì, lơ mơ, rối loạn điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan, suy hô hấp, trụy mạch, co giật, hôn mê và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Điều trị tiêu chảy như thế nào?
Bù nước, điện giải: đối với trẻ uống được: cho uống dung dịch oresol, trẻ nhỏ hơn 2 tuổi uống 50-100ml sau mỗi lần tiêu, trẻ từ 2 tuổi trở lên uống 100-200ml sau mỗi lần tiêu.
Có thể cho uống nước chín để nguội, cháo súp, nước dừa tươi hoặc nước hoa quả. Trong thời gian này vẫn cho trẻ ăn bú bình thường.
Nếu trẻ cho dấu hiệu mất nước hay nôn ói không uống được hoặc tiêu chảy kèm sốt cao, phân xanh, có đàm hoặc máu thì phải nhập viện ngay để được bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị, tránh để trẻ mất nước nặng, rối loạn điện giải, kiềm toan ảnh hưởng đến tính mạng.
Phòng ngừa tiêu chảy cho trẻ
Tốt nhất nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau sinh càng sớm càng tốt để trẻ được bú sữa non có nhiều kháng thể, chế độ dinh dưỡng hợp lý tránh suy dinh dưỡng.
Vaccin phòng tiêu chảy: Hiện nay đã có vaccin phòng ngừa tiêu chảy do Rotavirus – loại virus hay gặp nhất và dễ gây mất nước nặng ở trẻ em. Vaccin được cho trẻ uống từ 2-6 tháng tuổi, uống 2 lần cách nhau ít nhất 1 tháng.
Vệ sinh ăn uống cho trẻ, ăn chín, uống sôi, thức ăn cho trẻ phải đảm bảo tươi và đủ chất.
Đặc biệt vệ sinh tay đúng cách trước và sau khi cho trẻ ăn và khi chăm sóc vệ sinh trẻ.