Bé gái da xanh, tay vàng vì ngày nào cũng uống 2 lít sữa, nhìn cách mẹ đưa đi khám, bác sĩ càng thở dài

DIỆU THUẦN - Ngày 04/05/2024 09:04 AM (GMT+7)

Theo các bác sĩ, sữa tươi có mùi vị hấp dẫn, tiện lợi, chứa nhiều dưỡng chất giúp trẻ tăng chiều cao, cân nặng nhưng cần uống đúng để tránh gây ra các hệ lụy cho trẻ.

Bé gái 2 tuổi thiếu máu nghiêm trọng vì chỉ uống sữa tươi

Khi trẻ bước sang tuổi thứ 2, hệ tiêu hóa đã tương đối hoàn thiện nên có thể tiêu hóa được nhiều loại thực phẩm khác nhau. Vì vậy, cha mẹ cần đảm bảo cung cấp đủ các nhóm chất: tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất cho con. Ngoài ra, cha mẹ nên thay đổi thực đơn thường xuyên để trẻ ăn ngon miệng, giúp con hấp thu được nhiều dinh dưỡng hơn.

Mới đây, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang đã chia sẻ hình ảnh lòng bàn tay và chân có màu xanh vàng của bé gái 2 tuổi, tên Hoàng Yến được mẹ đưa đến khám do bị thiếu máu, suy dinh dưỡng và phải nhập viện điều trị do chỉ số HGB (chỉ số xét nghiệm máu) chỉ còn 4g/dL, trong khi trẻ bình thường là 11-13g/dL. 

Hình ảnh lòng bàn tay và chân bé gái được bác sĩ Nguyễn Thanh Sang chia sẻ. Ảnh: BSCC.

Hình ảnh lòng bàn tay và chân bé gái được bác sĩ Nguyễn Thanh Sang chia sẻ. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Sang cho biết, bé Yến được đưa đến khám trong tình trạng da nhợt nhạt và suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Người mẹ cho biết, trước đó gửi con cho bà ngoại chăm sóc giúp để đi làm. Vì bé biếng ăn nên mỗi ngày được bà cho uống 5-7 hộp sữa tươi (tương đương 2l - 2,5l sữa). 

“Lúc nói chuyện với tôi, người mẹ không tập trung, trả lời hời hợt, trong khi mắt chăm chăm vào màn hình điện thoại như một người rất bận rộn. Bé Yến cũng được mẹ cho xem riêng một chiếc điện thoại nên cũng ngồi rất yên lặng”, bác sĩ Sang thở dài. 

Theo bác sĩ Sang, bé Yến bị tình trạng như trên là do uống nhiều sữa tươi, nên cần thời gian điều chỉnh, cắt giảm lượng sữa uống trong một ngày và cần tập trung ăn đa dạng các thực phẩm hơn. “Một đứa trẻ phát triển toàn diện là phải ăn uống tốt, vận động tốt”, bác sĩ Sang chia sẻ.

Bác sĩ Sang cho biết, hiện bệnh nhi được điều trị tình trạng thiếu máu bằng cách bổ sung đa dạng thực phẩm bằng đường ăn và giảm lượng sữa uống trong ngày còn 2 hộp. Ngoài ra, bé gái cũng cần bổ sung sắt liều phù hợp với tuổi và theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trẻ uống sữa quá nhiều sẽ trở nên biếng ăn hơn. Ảnh minh họa.

Trẻ uống sữa quá nhiều sẽ trở nên biếng ăn hơn. Ảnh minh họa.

Trẻ uống sữa tươi như thế nào mới tốt?

Bác sĩ Sang khuyến cáo, trường hợp của bệnh nhi trên cũng đang phổ biến hiện nay. Nhiều cha mẹ vì bận việc, trong khi con lại biếng ăn nên trẻ thích ăn món gì, uống sữa thì chiều theo cho tiện. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ thiếu chất và có nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), sữa tươi có mùi vị hấp dẫn, tiện lợi, chứa nhiều dưỡng chất giúp trẻ tăng chiều cao, cân nặng. Nhưng chỉ nên cho trẻ uống sữa tươi khi trẻ đã hơn 1 tuổi. Bác sĩ Hậu giải thích, sữa tươi có hàm lượng đạm, canxi và phốt-pho cao, nếu cho trẻ dưới 1 tuổi uống sẽ dễ có nguy cơ bị quá tải thận. Về lâu dài, làm trẻ có nguy cơ bị cao huyết áp, béo phì ở tuổi trưởng thành. 

Ngoài ra lượng đạm cao trong sữa tươi còn gây đầy bụng, khó tiêu, làm trẻ chán ăn. “Sữa tươi cũng có ít sắt, nghèo vi lượng nên trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt, thiếu vi lượng nếu sử dụng sữa tươi như thực phẩm chính” bác sĩ Hậu khuyến cáo.

Theo các bác sĩ, uống sữa tươi phù hợp sẽ tốt cho sức khỏe của trẻ. Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, uống sữa tươi phù hợp sẽ tốt cho sức khỏe của trẻ. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Hậu khuyến cáo, tốt nhất chỉ nên cho trẻ trên 1 tuổi, tốt nhất là trên 2 tuổi uống sữa tươi, với liều lượng khoảng 200-300ml/ngày và uống sau bữa ăn 1-2 giờ. Việc cho trẻ uống trước bữa ăn chính 2 giờ có thể làm trẻ no, trở nên biếng ăn khi vào bữa. 

Với trẻ 2-3 tuổi trở lên, có thể cho trẻ uống lượng sữa tươi nhiều hơn, vì lúc này chế độ ăn đa dạng sẽ giúp trẻ nhận đủ các dưỡng chất và trẻ có khả năng tiêu hóa, hấp thu các thức ăn tốt hơn. 

Với thiếu niên, có thể sử dụng sữa tươi thay sữa bột, đảm bảo tổng lượng sữa 500-700ml/ngày. Ngoài ra kết hợp chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất.

Bác sĩ Hậu lưu ý, cha mẹ cần cho con uống liều lượng sữa phù hợp với tuổi, chiều cao, cân nặng. Nếu uống quá nhiều sữa, trẻ dễ béo phì, hoặc không được rèn luyện thói quen nhai, lâu dài kén ăn các thức ăn đặc dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt và chất xơ, gây táo bón, phát triển không cân đối và thậm chí có thể nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

* Tên bệnh nhi trong bài đã được thay đổi.

Uống nhiều sữa bò có bị dậy thì sớm không? Trẻ uống sữa bò, sữa đậu nành hay sữa nào thì tốt hơn?
Thông thường một con bò khi sinh ra nặng đến 9-10kg, còn em bé chào đời chỉ nặng 3kg, vậy việc cho trẻ uống sữa bò liệu có làm tăng nguy cơ dậy thì...

Trẻ dậy thì

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dinh dưỡng cho trẻ em