Bệnh thuỷ đậu dùng thuốc như thế nào?

Ngày 10/03/2018 08:10 AM (GMT+7)

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella Zoster gây ra. Bệnh rất dễ lây lan thành dịch.

Bệnh thuỷ đậu dùng thuốc như thế nào? - 1

Bệnh lây truyền chủ yếu qua việc tiếp xúc với chất dịch nốt thủy đậu của người bệnh từ da, quần áo, hoặc qua đường hô hấp khi giao tiếp, nói chuyện với người mắc bệnh. Dịch bệnh thường xảy ra vào mùa đông – xuân, số mắc tăng cao vào giai đoạn từ cuối năm dương lịch cho đến tháng 3, tháng 4 hàng năm.

Mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh thủy đậu nếu chưa có miễn dịch, tuy nhiên bệnh hay gặp nhất là ở trẻ dưới 10 tuổi và biểu hiện bệnh nặng cũng thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Triệu chứng chính của bệnh thủy đậu bao gồm khởi phát đột ngột với sốt, người mệt mỏi, chán ăn, đau nhức mình mẩy, sau đó trên da xuất hiện các mụn bóng nước, trong vòng 24 – 48 giờ mụn nước có thể nổi toàn thân.

Những thuốc có thể dùng

Thuốc uống chống virus (như acyclovir...) sẽ làm giảm độ nặng của bệnh và giảm các ca nhiễm thứ phát. Dùng thuốc càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên khi dùng thuốc này một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra như buồn nôn, nôn. Đối với người suy giảm miễn dịch khi dùng acyclovir đồng thời với zidovudin có thể gây trạng thái ngủ lịm và lơ mơ.

Với triệu chứng ngứa có thể khắc phục bằng cách uống kháng histamin tổng hợp hoặc bôi kem kháng histamin. Kháng histamin uống có thể dùng chlopheniramin, siro phenergan… Thuốc có thể gây ngủ gà, khô miệng… Đối với trẻ em nên dùng dạng siro nhưng khi dùng cần chú ý để tránh dùng quá liều (các dấu hiệu quá liều ở trẻ em thường gặp nhất là hưng phấn với kích động, ảo giác, mất điều hòa, không phối hợp được động tác, múa vờn và co giật…).

Có thể bôi xanh- methylen, hồ nước, mỡ kháng sinh (mỡ bactroban) và uống uống kháng sinh để chống bội nhiễm vi khẩn.

Xanh methylen là thuốc bôi tại chỗ có tác dụng sát khuẩn nhẹ. Thường dùng dạng dung dịch dùng ngoài 1% hoặc dung dịch milian (gồm xanh methylen, tím gentian, ethanol, nước cất...), giúp các vết bọng nước nhanh đóng vảy và rụng, giúp mau lành bệnh.Trường hợp có sốt cần uống thuốc hạ sốt như paracetamol. Khi bệnh nhân đau và sốt cao, có thể dùng paracetamol, chọn dạng phù hợp với lứa tuổi. Lưu ý tuyệt đối không sử dụng aspirin vì có thể gây phản ứng ngoài mong muốn (ADR) nguy hiểm. Nên dùng các phương pháp hạ sốt vật lý như chườm khăn ấm, sử dụng băng dán hạ sốt hoặc các bài thuốc thảo dược hạ sốt.Khi chăm sóc bệnh nhân thủy đậu cần làm sạch da và vệ sinh thân thể: Cho người bệnh nằm nghỉ trong phòng thoáng mát, sạch sẽ, cách ly tại nhà trong suốt thời gian bệnh cho tới khi hoàn toàn khỏi bệnh. Cho trẻ ăn các chất dễ tiêu. Chú ý cắt ngắn móng tay và giữ sạch tay. Trẻ nhỏ phải cho mang bao tay, xoa bột tan (talc) vô khuẩn khắp người để trẻ đỡ ngứa. Tránh cọ xát làm các bóng nước bị vỡ và lây lan. Không nên cho trẻ mặc áo quá dày vì dễ cọ sát vỡ mụn. Toàn bộ quần áo phải được giặt hàng ngày bằng xà phòng và ủi trước khi mặc.

Khi ngứa do nốt bỏng của thuỷ đậu tuyệt đối không gãi vì gây sẹo vĩnh viên.Nhiều người thường có xu hướng sử dụng những bài thuốc dân gian với thảo dược ( kim ngân, lá dâu, cam thảo, lá tre...) để chữa bệnh. Tuy nhiên, cần cẩn trọng chọn lựa các cơ sở Đông y uy tín và các bài thuốc dân gian này phải được chọn lọc phù hợp với cơ địa người bệnh.Bệnh Thủy Đậu có độ lây lan cao nên chủng ngừa bằng vắc-xin là biện pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa bệnh và giảm độ nặng của bệnh.

Tắm lá chữa thủy đậu, bé trai 4 tháng tuổi bị nhiễm độc da toàn thân
Con bị mắc thủy đậu, mẹ dùng lá thuốc nam để tắm, sau hai ngày các nốt phát ban trên cơ thể bắt đầu phồng rộp, lở loét và phải nhập viện điều trị.
Theo Khánh Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thủy đậu ở trẻ em