Theo TS-BS Nguyễn Thái Hà, Nguyên trưởng khoa khám bệnh CK II BV Từ Dũ, dù cách điều trị viêm âm đạo có thể đơn giản nhưng ít chị em Việt làm đúng và khiến bệnh tái phát, vì 5 sai lầm thường thấy này.
Đối với nhiều phụ nữ, thổ lộ về bệnh viêm âm đạo do nấm là một việc khó khăn. Mặc dù thực tế có đến 75% phụ nữ bị viêm âm đạo do nấm ít nhất một lần trong đời và có đến 45% bị tái phát, thậm chí dai dẳng nhiều năm nhưng hầu hết chị em đều e dè trong việc chia sẻ và thậm chí còn không muốn trao đổi thông tin về bệnh.
Chính vì vậy, mới đây, trong buổi tọa đàm thuộc chiến dịch quốc gia “Nhận biết, phòng ngừa và xử trí bệnh phụ khoa” do Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động, Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thái Hà – Nguyên trưởng khoa khám bệnh – chuyên khoa II Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đã chia sẻ nhiều kiến thức chuyên sâu về những căn bệnh phụ khoa nói chung và về căn bệnh Viêm âm đạo do nấm Candida nói riêng.
Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thái Hà – Nguyên trưởng khoa khám bệnh – chuyên khoa II Bệnh viện Từ Dũ TPHCM.
Một trong những thông tin thú vị được bác sĩ Thái Hà đề cập, đó là dù cách điều trị viêm âm đạo có thể đơn giản, nhưng ít chị em Việt làm đúng và khiến bệnh tái phát, dai dẳng vì 5 sai lầm thường thấy này:
1. Lựa chọn trang phục không phù hợp, sử dụng băng vệ sinh hàng ngày 24/24
Nhiều chị em phụ nữ ngày nay vì muốn ăn mặc hợp thời trang và trở nên quyến rũ nên thường lựa chọn những bộ trang phục, quần bó sát. “Bình thường thì không sao nhưng khi bị nhiễm nấm, đây lại là nguyên nhân khiến viêm âm đạo khó chữa khỏi”, bác sĩ Thái Hà cho biết.
Theo đó, những chiếc quần bò, quần lót quá chật sẽ làm không khí lưu thông ít đi, dịch âm đạo sẽ tiết ra không được thông thoáng.
“Thậm chí có nhiều bệnh nhân nói với tôi rằng họ toàn mặc váy và để cẩn thận, sợ bẩn, họ còn dùng băng vệ sinh hàng ngày để lót. Nhưng băng vệ sinh hàng ngày ở dưới lại lót bằng ni lông. Nắng nóng khiến mồ hôi, dịch âm đạo ra nhiều nhưng ni lông lại không thấm nên càng khiến môi trường vùng kín ấm ướt, dẫn đến mắc cách bệnh phụ khoa, phổ biến nhất là viêm âm đạo do nấm Candida”
Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thái Hà chia sẻ kinh nghiệm cùng MC Hồng Phượng - bà xã nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ.
2. Đặt thuốc điều trị không đúng cách
Đặt thuốc phải theo đúng hướng dẫn. Nếu là viên thuốc dạng bột, chị em muốn đặt tốt cần nhúng qua nước một chút rồi đặt vào bên trong âm đạo. Tuy nhiên, nhiều chị em chủ quan, sợ đau nên thường đặt thuốc rất nông, khiến thuốc không phát huy được tác dụng.
“Tôi đưa thuốc cho chị em, 10 chị thì giỏi lắm chỉ có 3 chị đặt đúng kỹ thuật. Âm đạo người phụ nữ dài từ 10-12cm và khi đưa tay vào đặt thuốc, chị em phải đẩy thuốc vào lút một ngón tay. Nên sử dụng những loại thuốc có dụng cụ hỗ trợ đặt thuốc để đặt được chính xác nhất. Đặt làm sao để ngày hôm sau chúng ta không thấy thuốc ra quần mới là đúng bởi nguyên tắc là thuốc sẽ tự tan bên trong âm đạo và có tác dụng ngay tại chỗ. Nếu vừa đặt xong mà hôm sau ra thuốc nguyên cục thì thuốc đã không phát huy được tác dụng”, bác sĩ Thái Hà cho lời khuyên
3. Sử dụng khăn bông để thấm khô vùng kín sau khi vệ sinh
Nhiều chị em có thói quen sau khi tắm, vệ sinh thường lau khô, thấm rửa vùng kín bằng khăn bông. Nhưng ít ai biết, một trong những điều khiến nấm âm đạo tái phát và khó điều trị dứt điểm chính lại đến từ chiếc khăn bông của phụ nữ.
“Khi vùng kín bị nhiễm nấm, nấm sẽ lan ra khăn bông. Nhiều chị em tôi cho thuốc, các chị tắm rửa, vệ sinh vùng kín bằng khăn bông, nấm lại quay trở lại. Chính vì vậy, điều đầu tiên khi vệ sinh vùng kín xong, chúng ta nên lấy giấy vệ sinh hoặc bông tẩy trang thấm khô rồi bỏ đi. Nếu dùng khăn bông thì các chị em mỗi ngày đều phải giặt khăn và nấu khăn sôi trong 30 phút, phơi khô mới dùng được tiếp”, bác sĩ Thái Hà tư vấn.
Chiến dịch “Nhận biết, phòng ngừa và xử trí bệnh phụ khoa” nằm trong đề án Quốc gia về Chăm sóc sức khỏe phụ nữ, được thực hiện bởi Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam.
4. Để móng tay quá dài
Một trong những nguyên nhân khiến chị em chữa hoài không hết bệnh, đó là móng tay của các chị em. Móng tay là một ổ bệnh có chứa rất nhiều vi khuẩn, có khả năng lây lan. Yêu cầu của ngành y tế, đó là tất cả y bác sĩ đều phải cắt hết móng tay. Với bác sĩ Thái Hà, chị cũng yêu cầu những bệnh nhân của mình phải cắt hoàn toàn móng tay trong quá trình điều trị viêm âm đạo.
“Khi tái khám, việc đầu tiên tôi kiểm tra bệnh nhân là móng tay. Nhiều người nói tôi khó tính, nhưng thực ra đó là vì chính bệnh nhân. Khi trị dứt điểm viêm âm đạo, chị em có thể để móng tay lại làm đẹp, lúc đó không sao.”
5. Giặt chung đồ lót cá nhân với quần áo của các thành viên khác trong gia đình
Vấn đề vệ sinh đồ lót cũng được rất nhiều chị em quan tâm bởi đó là một phần nguyên nhân dẫn đến viêm âm đạo tái phát đi tái phát lại. Chúng ta không nên đặt đồ lót chung với người thân trong gia đình. Đồ người lớn, trẻ em nên giặt riêng và đồ lót càng cần giặt riêng, phơi riêng.
Ngoài ra, đồ lót giặt xà bông có chất tẩy là đã ổn. Nếu được thì nên phơi đồ lót ngoài nắng. “Nhiều chị em sợ nắng nóng, không khí ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến đồ lót khi phơi bên ngoài. Nhưng đó không phải là một trong những nguyên nhân gây nấm âm đạo.” bác sĩ Thái Hà nhận định lại.