Khi bị sốt mò, người bệnh dễ bị nổi hạch, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác, thậm chí tử vong.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận bệnh nhân Bùi Văn S. (57 tuổi, trú tại xã Hào Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang) bị sốt mò.
Gia đình bệnh nhân S. cho biết, trước khi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh khoảng 1 tuần, bệnh nhân bị sốt cao kèm đau đầu nhiều, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa huyện Sơn Dương để điều trị trong 7 ngày, sau đó được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
BS CKI Nguyễn Văn Hùng, khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, qua thăm khám bệnh nhân S., phát hiện bệnh nhân có 1 nốt mò đốt ở vùng nách, kèm theo sốt cao từng cơn (39,5 độ).
Ngay sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị sốt mò, người bệnh đã được chuyển lên khoa truyền nhiễm để được điều trị bệnh.
Nếu chủ quan, người bị mò đốt có thể tử vong do những biến chứng gây ra.
Trước đó, hồi tháng 10/2016, cũng tại bệnh viện này, các bác sĩ đã tiếp nhận bệnh nhân Nông Văn D., 38 tuổi (trú tại Chân Sơn, Yên Sơn, Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn.
Bệnh nhân đã tự điều trị hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ, bệnh trở nặng nên được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để khám và điều trị.
Tại đây, các bác sỹ thăm khám thấy bệnh nhân có 1 nốt mò đốt ở vai và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng đã bị suy đa tạng. Mặc dù đã được các bác sỹ tích cực cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Sốt mò 'rình rập' người hay đi du lịch vùng rừng núi
Ths.BS Nguyễn Trung Cấp (Phó trưởng khoa Phụ trách Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, sốt mò là sốt phát ban truyền nhiễm do virus Rickettsia tsuisugamushi có trong mò gây ra.
Sau khi bị đốt từ 8-12 ngày, bệnh nhân bắt đầu phát bệnh. Người bệnh có biểu hiện sốt cao liên tục 38-40 độ C, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi, da và mắt thường xung huyết, có thể có ban đỏ trên da. Lúc đầu, tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, sau đó vết đốt đóng vảy đen và khi bong vảy tạo thành vết loét nhỏ lõm như đáy giếng.
Ấu trùng mò thường chọn đốt vào những vùng da mềm, ẩm như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ, thậm chí trong vành tai, rốn, mi mắt, cạp quần. Do vết đốt không đau, không ngứa nên người bệnh thường không chú ý, phải khám xét mới phát hiện.
Nếu được phát hiện và điều trị sớm bằng những kháng sinh đặc hiệu, người bị bệnh sốt mò sẽ hồi phục khá nhanh; ngược lại, họ có thể bị sốt kéo dài đến vài tuần, một số trường hợp diễn biến nặng thành suy đa phủ tạng như suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, viêm cơ tim và có thể tử vong.
Để phòng bệnh sốt mò, các bác sĩ khuyến cáo, nếu bị các nốt đốt lạ và sốt cao, không rõ nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt, sau đó cần đưa đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sỹ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Người dân nên mặc quần áo chẽn gấu, chân tay đi bít tất, đi giày, gài ống quần và ống tay áo trong bít tất khi đi du lịch vào vùng rừng núi, có cây cối rậm rạp. Không phơi quần áo, đặt ba lô trên bụi rậm, không nằm trên cỏ… Khi bị sốt, nổi hạch, có các nốt lạ trên cơ thể, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.