Khi trẻ bị sốt cao co giật, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh tìm hiểu căn nguyên và hạ sốt đúng cách cho trẻ để không bị ảnh hưởng về sau này.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, sốt là một phản ứng tốt của cơ thể với các tác nhân gây bệnh. Thế nhưng khi sốt quá cao, không biết cách hạ sốt lại gây nhiều phiền toái cho trẻ, thậm chí dẫn đến co giật.
Đặc biệt, khi trẻ bị co giật thường có biểu hiện trợn mắt, nghiến răng,... đa số phụ huynh đều rất hốt hoảng và sơ cứu không đúng cách. Điều đó vô tình gây hại cho trẻ, thậm chí tử vong vì bị ngạt, hoặc hít phải chất nôn, bị viêm phổi nặng do chất nôn từ dạ dày trào ngược vào phổi, gây tổn thương phổi….
Vậy khi trẻ sốt cao co giật, các bậc phụ huynh cần phải xử lý như thế nào? Với câu hỏi trên, PGS Dũng khuyên, khi trẻ sốt cao các bậc phụ huynh cần phải cho trẻ năm nghiêng, nới rộng quần áo, không cho uống thuốc động kinh và nhanh chóng đưa đến gặp bác sĩ.
PGS Dũng khuyên, khi trẻ sốt cao co giật nên cho trẻ nằm nghiêng.
Lý giải về việc phải đặt trẻ nằm nghiêng, PGS Dũng cũng cho hay, khi trẻ co giật sẽ kèm theo nhiều đờm dãi, thậm chí là chất nôn từ thức ăn. Nếu để trẻ nằm ngửa sẽ dễ chảy vào phổi gây tử vong do sặc phổi. Chính vì thế, đặt nghiêng để làm thông đường thở cho trẻ.
Một sai lầm mà nhiều phụ huynh gặp phải khi trẻ sốt cao co giật, đó là cho trẻ uống phòng thuốc động kinh. PGS Dũng cho rằng, đây là việc làm hết sức sai lầm và chỉ có hại chứ không có tác dụng gì, vì trẻ bị co giật do sốt không ảnh hưởng gì đến não.
“Trẻ bị co giật thường trôi đi rất nhanh (vài chục giây), nên khi qua cơn co giật phụ huynh có thể đặt viên hạ sốt vào hậu môn, dùng vài mềm để cạnh miệng trẻ để đề phòng lần co giật tiếp theo. Cùng với đó là đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra”, PGS Dũng khuyến cáo.
Theo PGS Dũng, việc đưa đến cơ sở y tế kịp thời ngoài việc đề phòng cơn co giật tiếp theo, thì còn giúp các bác sĩ nhanh chóng tìm ra các bệnh kèm theo như viêm màng não, viêm não... Trong trường hợp trẻ bị co giật do kèm theo các bệnh này thì sẽ gây ảnh hưởng đến não.
Ngoài những cách trên, PGS Dũng cũng chỉ ra rằng, khi phát hiện trẻ sốt cao co giật, người nhà không nên đứng vây kín xung quanh trẻ. Bởi, việc làm này càng khiến trẻ gặp nguy hiểm vì thiếu ô xy để thở. Theo đó, phụ huynh nên nới rộng quần áo giúp trẻ thoáng mát, nhất là vùng cổ. Sau đó, dùng khăn mềm nhúng vào nước hơi ấm, lau khắp người cho trẻ, nhất là vùng nách, bẹn, trán…
Một vấn đề mà PGS Dũng cũng lưu ý đối với các bậc phụ huynh, đó là việc cho trẻ uống thuốc chống co giật. Theo PGS Dũng, hiện không có thuốc nào phòng được co giật khi sốt cao, mà hãy cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 38,5 độ C.
Tóm lại, để phòng co giật ở trẻ thì phụ huynh cần phải chú ý theo dõi trẻ ngay từ khi trẻ mới sốt. Cách phòng tránh tốt nhất đó là: đưa trẻ đi khám và điều trị nguyên nhân ngay khi mới sốt, cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều lần hơn, cởi bớt quần áo, đặt trẻ nằm nơi thoáng mát và không bao giờ được ủ ấm hoặc bọc kín trẻ, phải thường xuyên theo dõi thân nhiệt bằng cách cặp nhiệt độ cho trẻ khi trẻ sốt cao. Làm mát cơ thể trẻ bằng cách lau người cho trẻ bằng nước ấm và dùng thuốc hạ nhiệt khi nhiệt độ cơ thể lên quá 38.5 độ C.