Theo nghiên cứu của các nhà dịch tễ học Trung Quốc, chủng mới của virus corona (gọi là SARS-CoV-2) có thể tồn tại trong không khí ít nhất 30 phút và có thể bay xa 4,5 m, xa hơn “khoảng cách an toàn” mà các giới chức y tế đưa ra.
Virus corona chủng mới có thể lan xa 4,5 mét, tồn tại trong không khí ít nhất 30 phút
Các nhà nghiên cứu nhận thấy virus corona gây ra dịch COVID-19 có thể bám nhiều ngày trên các bề mặt, nơi những giọt bắn li ti của người bệnh rơi xuống, làm gia tăng nguy cơ lây lan nếu một người không biết chạm vào nó và sau đó vào tay, mặt của họ.
Thời gian mà nó tồn tại trên bề mặt nào đó phụ thuộc vào các yếu tố như thời tiết hay loại bề mặt, ví dụ như trong nhiệt độ khoảng 37 độ C, SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong 2-3 ngày trên bề mặt kính, vải sợi, kim loại, nhựa hoặc giấy.
Virus corona chủng mới vẫn có thể tồn tại sau khi người nhiễm rời khỏi xe buýt. Ảnh: Reuters
Đó là các phát hiện của một nhóm các nhà nghiên cứu tỉnh Hồ Nam khi xem xét vụ nhiễm cụm từ một người đi xe buýt công cộng. Kết quả nghiên cứu khác biệt này với lời khuyên từ giới chức y tế khắp thế giới rằng mọi người nên giữ khoảng cách an toàn từ 1-2 m.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh nguy cơ SARS-CoV-2 có thể vẫn tồn tại thậm chí sau khi người nhiễm rời khỏi xe buýt. Các khoa học cũng cảnh báo rằng virus có thể sống sót hơn 5 ngày trong dịch cơ thể hoặc chất thải của người.
WHO cảnh báo nguy cơ COVID-19 thành đại dịch
Tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 9/3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết nguy cơ dịch COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu đang gia tăng, bất chấp tình hình cải thiện tại Trung Quốc.
"Việc virus corona chủng mới đã xuất hiện tại rất nhiều quốc gia, nguy cơ về một đại dịch đang trở nên rất thật" - người đứng đầu WHO phát biểu.
Tuy nhiên, ông Ghebreyesus cho rằng chỉ có một số quốc gia "có dấu hiệu về việc lây nhiễm duy trì trong cộng đồng", vậy nên "đây có thể sẽ là đại dịch đầu tiên mà chúng ta có thể kiểm soát. Chúng ta sẽ không cần sự thương hại của virus".
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Tổng giám đốc WHO nói rằng chỉ một vài quốc gia có các dấu hiệu cho thấy lây nhiễm trong cộng đồng và rằng vẫn còn quá sớm để các nhà lãnh đạo thế giới bỏ cuộc. "Dù đó là đại dịch hay không thì quy tắc của trò chơi vẫn giống nhau. Đó là: không bao giờ bỏ cuộc" - ông Tedros nói.
Theo Giám đốc Chương trình Y tế Khẩn cấp thuộc WHO Michael Ryan, với tình hình dịch bệnh lây lan nhanh khắp thế giới, đây là lúc cần đánh giá các nỗ lực phòng dịch.
"Hai tuần trước, chỉ có 30 quốc gia có ca nhiễm. Bây giờ, số quốc gia đã tăng lên 100 và có hơn 100.000 ca mắc. Đây là thời điểm để chúng ta cùng nhìn lại và suy nghĩ" - ông Ryan cho biết.
Mặc dù sự lây lan của virus tại Trung Quốc đã chậm lại, dịch COVID-19 vẫn đang lan truyền mạnh tại nhiều quốc gia. Hàn Quốc hiện đang có khoảng 7.500 ca nhiễm, theo sau đó là Ý và Iran với hơn 7.000 ca, theo số liệu của Đại học Johns Hopkin (Mỹ).