Sợ bạn bè chê béo, nam sinh Hà Nội ăn uống kiêng khem, đồng thời tập luyện cật lực và rồi có ngày phải nhập viện tâm thần.
Trẻ tuổi teen nhập viện tâm thần vì sợ béo
Nguyễn Đức Mạnh năm nay 13 tuổi, đang học cấp 2 và có chiều cao vượt trội tới 1m73, thế nhưng em lại có cân nặng rất khiêm tốn chỉ 49kg. Mạnh là con duy nhất trong một gia đình khá giả. Bố mẹ mạnh là giáo viên cấp 2, công tác ngay tại trường Mạnh đang theo học. Bố mẹ Mạnh thường xuyên quan tâm, trò chuyện với con.
Trước khi mắc bệnh, Mạnh được đánh giá là người có tính cách vui vẻ, hoà đồng với mọi người, có thành tích cao trong học tập, từng tham gia đội tuyển học sinh giỏi của trường.
Cách đây 1 năm, Mạnh nặng khoảng 67kg, cao 1m56 và thỉnh thoảng bị các bạn trêu là “đồ béo ị”. Điều này làm Mạnh lo lắng, nghĩ mình thực sự béo và xấu nên cảm thấy tự ti với mọi người. Cũng vì điều này, dần dần Mạnh không thích chơi với các bạn, không thích tham gia các hoạt động ở trường, lớp như trước. Mạnh ít trò chuyện với mọi người và quyết tâm giảm cân để thân hình trở nên cân đối hơn, không bị trêu chọc nữa.
Tự tìm hiểu các phương pháp giảm cân trên mạng xã hội cũng như chế độ dinh dưỡng cho người cần giảm cân, hằng ngày, Mạnh cắt giảm tất cả lượng thức ăn nạp vào cơ thể, đồng thời thực hiện các bài tập thể dục đốt cháy mỡ thừa với cường độ cao (khoảng 1-2 tiếng/ngày).
Vì sợ bị các bạn cười chê, Mạnh đã ép mình giảm cân đến mức phải nhập viện tâm thần. (Ảnh minh họa)
Trong quá trình giảm cân này, Mạnh bước vào giai đoạn dậy thì, chiều cao tăng nhanh chóng, nhưng cân nặng cũng giảm đi. Thế nhưng Mạnh vẫn tiếp tục duy trì việc ăn kiêng và tập luyện cường độ cao khiến cơ thể ngày càng gầy gò. Em thường xuyên có biểu hiện mệt mỏi, hoạt động chậm chạp hơn trước.
“Nhìn vào gương cháu vẫn thấy cơ thể mình bình thường, thậm chí phần tay, bụng vẫn còn béo và cháu duy trì chế độ ăn kiêng, tập luyện như cũ vì cho rằng nếu mình ăn thịt cá như bình thường thì sẽ trở nên rất béo và sẽ bị bạn bè chế nhạo”, Mạnh nhớ lại.
Cách ngày vào viện 2 tháng, Mạnh đã cao 1m73, nặng 51kg. Lúc này, bố mẹ và mọi người xung quanh đều thấy Mạnh có thể trạng gầy và khuyên nên ngừng việc ăn kiêng, luyện tập thể dục điều độ hơn nhưng Mạnh không đồng ý. Em vẫn thấy thể trạng của mình bình thường, có thể tăng cân bất cứ lúc nào và tiếp tục ăn uống rất ít, gần như không ăn thịt cá, kể cả rau củ quả cũng ăn với lượng nhỏ, chỉ ăn bánh bao chay buổi sáng và vài thìa cơm trắng vào trưa, tối. Trong thâm tâm, Mạnh lo sợ nếu không duy trì chế độ ăn và tập thể dục như cũ, cân nặng sẽ tăng lên và sẽ bị béo, khi không tập thể dục nam sinh này có cảm giác đau khổ bồn chồn bứt rứt, khó chịu trong người.
Một tuần trước khi vào viện, Mạnh chỉ nặng 49kg, huyết áp tụt sâu. Thấy vậy, bố mẹ Mạnh đã đưa con đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Tại đây, nam sinh được chỉ định nhập viện Viện sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).
Lứa tuổi dậy thì rất hay rơi vào tình trạng chán ăn tâm thần vì sợ thay đổi hình thể. (Ảnh minh họa)
ThS.BS Nguyễn Phương Linh, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, sau khi thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán nam sinh này bị chán ăn tâm thần và tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp bao gồm: cơm 3 bữa/ngày xen kẽ sữa cao năng lượng, cùng hoa quả 3 bữa/ngày
Đồng thời với đó, bệnh nhân cần phối hợp điều trị theo chỉ định của bác sĩ, cùng nhà trị liệu tâm lý và người nhà theo dõi chế độ ăn theo tư vấn của chuyên khoa dinh dưỡng. Theo bác sĩ Linh, sau 7 ngày điều trị, người bệnh ngủ tốt hơn, đỡ căng thẳng, lo lắng về việc tăng cân. Bệnh nhân ăn 6 bữa/ ngày nhưng khối lượng thức ăn mỗi bữa chỉ đạt 50% so với yêu cầu và vẫn chưa có cảm giác ngon miệng, đồng thời vẫn tập thể dục cường độ cao để duy trì vóc dáng, cân nặng 47kg.
Sau điều trị 15 ngày, người bệnh ăn uống tốt hơn, khối lượng ăn uống đáp ứng khoảng 70% so với yêu cầu của chuyên khoa dinh dưỡng nhưng còn lo lắng, sợ bị béo khi không ăn kiêng.
“Sau 1,5 tháng khi ra viện, nam sinh này bắt đầu ăn uống tốt hơn, tăng dần khối lượng ăn uống, đạt 100% chế độ dinh dưỡng theo lứa tuổi, có hứng thú ăn và cảm giác ngon miệng kèm theo không còn cảm giác sợ tăng cân. Hiện tình trạng cảm xúc và ăn uống của người bệnh tiến triển tốt”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Bác sĩ Sơn Tùng (giữa) cảnh báo, nếu không phát hiện sớm chán ăn tâm thần cũng có thể dẫn tới tử vong.
Ngoài bị tâm thần, chán ăn kéo dài còn có thể từ vong
Bác sĩ Vũ Sơn Tùng - Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, chán ăn tâm thần là rối loạn ăn uống do hạn chế năng lượng ăn vào so với nhu cầu, dẫn đến trọng lượng cơ thể thấp đáng kể. Bệnh nhân sẽ có cảm giác sợ hãi về việc tăng cân và hình ảnh cơ thể bị biến dạng và không thể nhận ra mức độ nghiêm trọng của trọng lượng cơ thể thấp đáng kể của họ.
Theo bác sĩ Tùng, biểu hiện của chán ăn tâm thần là ngoại hình thon gọn quá mức, mất ngủ, mệt mỏi, táo bón, khô da, mất nước, không chịu được lạnh… “Bệnh nhân mắc chán ăn bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, mọi cơ quan trong cơ thể có thể bị tổn thương, bao gồm cả não, tim và thận. Tình trạng này có thể không được đảo ngược hoàn toàn, ngay cả khi chứng chán ăn đã được kiểm soát.
Ở mức nghiêm trọng nhất có thể gây tử vong. Có thể tử vong đột ngột ngay cả khi không bị thiếu cân nặng do: rối loạn nhịp tim, mất cân bằng điện giải như natri, kali và canxi duy trì sự cân bằng của chất lỏng trong cơ thể”, bác sĩ Tùng cảnh báo.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải những biến chứng khác như rối loạn cảm xúc, giấc ngủ, ảnh hưởng công việc, học tập, tự hủy hoại bản thân, thậm chí là tự sát… Vì thế, khi phát hiện những người có dấu hiệu chán ăn tâm thần, gia đình cần đưa đi khám và điều trị kịp thời.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi