Các nghiên cứu cho thấy trong và sau đại dịch, có sự tăng vọt các trường hợp dậy thì sớm ở trẻ em gái từ 8 tuổi trở xuống, nhưng liệu điều này có đáng lo?
Trong đại dịch COVID-19, các bác sĩ bắt đầu nhận thấy một hiện tượng đáng tò mò: Số bé gái nhỏ tuổi dậy thì sớm tăng hẳn. Hiện tượng này xảy ra ở nhiều nước, với các báo cáo tương tự đến từ Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Ấn Độ và Đức. Và có vẻ như virus không phải thủ phạm, vì sự gia tăng các trường hợp dậy thì sớm này không bị giới hạn ở những trẻ bị nhiễm COVID-19.
Mặc dù độ tuổi các bé gái bước vào giai đoạn dậy thì đã giảm dần khoảng ba tháng một lần mỗi 10 năm kể từ cuối những năm 1970, một điều khác biệt dường như xảy ra khi thế giới ở trong tình trạng đại dịch. Các bác sĩ nhi khoa đã chứng kiến một sự tăng đột biến các trường hợp được gọi là dậy thì sớm. Một số nghiên cứu đã được thực hiện, tất cả đều cho thấy mối tương quan giữa đại dịch và kinh nguyệt sớm cùng sự phát triển về tình dục.
Theo Cơ quan Y tế Anh, sẽ là bình thường khi các bé gái bắt đầu dậy thì từ 8 đến 13 tuổi. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được gọi là dậy thì sớm khi bắt đầu trước 8 tuổi. Trước đại dịch, số liệu thống kê toàn cầu cho thấy 5.000 đến 10.000 trẻ thì có một em dậy thì trước 8 tuổi. Nhưng vì những lý do vẫn chưa rõ, trong đại dịch, con số này bắt đầu tăng cao - ở các bé gái chứ không phải ở các bé trai.
Sau đại dịch, tỷ lệ trẻ dậy thì sớm tăng ở nhiều nơi trên toàn cầu. (Ảnh minh họa)
Một nghiên cứu của Ý (xem xét từ 5 trung tâm nội tiết nhi khoa) công bố tháng 2/2022 đã cho thấy từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2020, 338 trẻ đi khám vì nghi ngờ dậy thì sớm, tăng 122% so với năm 2019 (152 trẻ).
Một nghiên cứu gần đây, lấy dữ liệu từ một phòng khám nội tiết ở Thổ Nhĩ Kỳ, xuất bản tháng 8/2022, cho thấy số bé gái được chẩn đoán dậy thì sớm trong giai đoạn từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021 nhiều gấp đôi so với hai năm trước khi bắt đầu đại dịch. Và một nghiên cứu của Đức (tại một trung tâm y tế) phát hiện số bé gái được chẩn đoán mắc dậy thì sớm đã tăng hơn gấp đôi trong năm đầu tiên của đại dịch lên 23, so với chỉ 10 trường hợp mỗi năm từ 2015 đến 2019. Năm 2021, con số này tăng lên 30. Tháng 9 năm ngoái, những phát hiện của một số nghiên cứu về tỷ lệ dậy thì sớm tăng lên đã được trình bày trước cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nội tiết nhi châu Âu.
Những nguyên nhân chưa tỏ
Vậy chuyện gì đang xảy ra? Nếu đổ lỗi cho đại dịch, thì tại sao như vậy? Các chuyên gia nhấn mạnh chưa chứng minh được nguyên nhân rõ ràng. “Tới thời điểm này, chưa thấy mối liên quan trực tiếp giữa “sang chấn” do đại dịch gây ra với số lượng các trường hợp dậy thì sớm tăng lên”, tiến sĩ Marie-Agathe Trouvin, giám đốc Bệnh viện tại Hôpitaux de Paris, Pháp, nhận định.
Tuy vậy, một số giải thích đã được đưa ra. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng trẻ thừa cân hoặc béo phì dễ dậy thì sớm, và thực sự mức giảm dần từ lâu về độ tuổi dậy thì trùng khớp rộng rãi với sự gia tăng béo phì ở trẻ em.
Thời gian xem màn hình kéo dài cũng được coi là một yếu tố tiềm năng. Một nghiên cứu của Thổ Nhĩ Kỳ trên chuột cho thấy mối liên quan giữa mức độ tiếp xúc ánh sáng xanh cao hơn và khởi phát dậy thì sớm hơn với trẻ gái. Đại dịch đã chứng kiến nhiều trẻ em trở nên ít vận động hơn và xem màn hình nhiều hơn, với cơ hội tập thể dục giảm dần và béo phì tăng thêm. Điều này liệu có thể giải thích tại sao các bác sĩ lâm sàng lại thấy nhiều trường hợp dậy thì sớm? Một số nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này tin rằng điều này hoàn toàn hợp lý.
Có mối liên quan giữa tình trạng trẻ béo phì và dậy thì sớm. (Ảnh minh họa)
Xu hướng dài hạn
Vào năm 2016, các nhà nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu lớn nhất tại Anh về tuổi dậy thì cho đến nay, xác định tình trạng dậy thì được coi là sớm khi bắt đầu trước 11 tuổi. Dựa trên mẫu gần 6.000 bé gái từ Nghiên cứu toàn diện cả thiên niên kỷ, theo dõi cuộc sống của những trẻ sinh từ năm 2000 đến 2002, đã phát hiện khoảng 10% bắt đầu có kinh nguyệt từ 10 tuổi trở xuống. Độ tuổi trung bình là 12 tuổi rưỡi, nhưng Giáo sư Yvonne Kelly ở Đại học College London (Anh), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi biết độ tuổi dậy thì đã giảm trong nhiều thập kỷ qua”.
Từ lâu, người ta đã đưa ra giả thuyết rằng tuổi dậy thì đang suy giảm vì ba lý do: Mức độ béo phì cao hơn trong dân số; Mức độ căng thẳng lớn hơn và Độc tố môi trường. Giáo sư Kelly và các nhà nghiên cứu nhóm bà đã thử nghiệm hai lý thuyết đầu tiên (họ không có dữ liệu về ô nhiễm) và thấy rằng cả 2 có vẻ đều góp phần gây dậy thì sớm ở các bé gái.
Bà nói: “Nếu chúng ta nghĩ về đại dịch, thì không có gì ngạc nhiên nếu nhiều trẻ bước vào tuổi dậy thì sớm dựa trên những gì đã thấy ở Anh. Chúng ta biết rằng tỷ lệ béo phì ở Anh đã tăng đột biến vào năm 2020 và 2021. Và chúng ta đang chứng kiến tỷ lệ trẻ có sức khỏe tâm thần kém và trẻ sống trong hoàn cảnh căng thẳng tăng vọt”.
Mặc dù tăng cân là “nghi phạm” ban đầu nhưng tội lỗi của nó chưa được chứng minh.
Tiến sĩ Trouvin cho biết: “Giả thuyết đầu tiên của chúng tôi là việc tăng cân trong thời gian phong tỏa có thể ảnh hưởng đến tuổi dậy thì. Nhưng chúng tôi không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào ở bệnh nhân của mình giữa việc tăng chỉ số khối cơ thể và khởi phát tuổi dậy thì so với trong những năm trước COVID-19”.
Tác động của căng thẳng
Căng thẳng là một “kẻ tình nghi” khác. Giáo sư Ruben Gur, giám đốc Phòng thí nghiệm hành vi não bộ tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã nghiên cứu một nhóm gồm 10.000 thanh niên từ khu vực Greater Philadelphia từ năm 2009 đến 2012 và nhận thấy những người từng trải qua sang chấn trải qua sự trưởng thành về thể chất nhanh hơn. Nghiên cứu của ông cũng tiết lộ bộ não của những trẻ này phát triển mạnh hơn.
Tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. (Ảnh minh họa)
“COVID-19 là một sự kiện đau buồn đối với mọi người, tùy thuộc vào mức độ căng thẳng liên quan đến nó, việc những trẻ dậy thì sớm có dấu hiệu trưởng thành sớm hơn là khá dễ hiểu”, ông nói. “Tôi không ngạc nhiên trước số lượng trẻ dậy thì sớm tăng lên. Nó hoàn toàn phù hợp với những gì chúng ta thấy”.
Giáo sư Kelly nói rằng bà sẽ không ngạc nhiên nếu sự gia tăng đột biến các trường hợp dậy thì sớm ở những nơi khác cũng xảy ra ở Anh. Vậy điều này có đáng bận tâm không? Nghiên cứu về tác động của dậy thì sớm cho thấy tình trạng này sẽ gây lo ngại. Một nghiên cứu của Đại học Bristol vào năm 2020 cho thấy cả bé gái và bé trai dậy thì sớm hơn so với bạn cùng lứa tuổi đều có nguy cơ tự làm hại bản thân cao hơn ở tuổi vị thành niên. Nghiên cứu khác cho thấy những trẻ này có nguy cơ cao mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm.
Giáo sư Kelly cho biết: “Một khi nội tiết tố của trẻ bắt đầu hoạt động… đó là khoảng thời gian thực sự hoang mang trong cuộc đời của các bé gái. Việc đó xảy ra càng sớm, trẻ càng ít được trang bị tốt để đối phó với những hậu quả tâm lý”.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em bị sang chấn đạt được sự trưởng thành về thể chất nhanh hơn.
Nó cũng có thể là thách thức về mặt xã hội đối với các cô gái trẻ. Và nó có thể có tác động bất lợi tới cơ thể họ. Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên kết giữa dậy thì sớm với sức khỏe thể chất kém hơn trong cuộc sống sau này, bao gồm nguy cơ mắc bệnh tim khởi phát sớm cao hơn. Ngoài ra, nó có ý nghĩa đối với sự tăng trưởng.
Cha mẹ cần luôn quan tâm tới tâm sinh lý trẻ. (Ảnh minh họa)
Giáo sư Kelly cho biết: “Một khi tuổi dậy thì bắt đầu cùng chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên xảy ra, thì sự tăng trưởng chiều cao sẽ chậm lại. Vì vậy, nếu một bé gái dậy thì lúc 7-8 tuổi, bé sẽ khó có tầm vóc tốt khi trưởng thành. Sau khi dậy thì, trẻ chỉ tăng thêm khoảng 7-10cm nữa”
Phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho dậy thì sớm là dùng thuốc ức chế dậy thì - thuốc ngăn chặn các hormone đến từ tuyến yên kích hoạt hiện tượng này. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với câu chuyện kể rằng tuổi dậy thì sớm đang gia tăng - hoặc chúng ta nên điều trị vấn đề này.
Tiến sĩ Peter Hayes, giảng viên cao cấp về chính trị tại Đại học Sunderland và là tác giả của một bài báo năm 2016 về Dậy thì sớm, cho biết: “Thực tế là ngày càng nhiều trẻ em dậy thì sớm không có nghĩa là nó đang gia tăng. Đây là điều bình thường. Có nhiều lý do giải thích tại sao tỷ lệ thực tế có thể vẫn giữ nguyên, nhưng tỷ lệ báo cáo lại tăng lên.”
Ông trích dẫn khả năng rằng trong thời kỳ đại dịch, các bậc cha mẹ đã cảm thấy lo lắng tột độ về sức khỏe của con mình và có nhiều khả năng để ý tới các dấu hiệu dậy thì sớm. Hoặc, ông gợi ý, cha mẹ dành nhiều thời gian gần gũi với con cái hơn trong thời gian cách ly xã hội, và do đó có lẽ có nhiều khả năng nhận thấy những thay đổi về thể chất và hành vi của trẻ hơn.
Ông nói thêm: “Đừng quá lo lắng trước một danh sách dài các bệnh được cho là có liên quan đến dậy thì sớm. Các bác sĩ luôn cố gắng tìm ra những vấn đề như vậy để biện minh cho việc dùng thuốc cho những đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh nhưng lại trưởng thành sớm”.