Sau khi dùng “mẹo” khiến vợ khai ra những mối quan hệ ngoài luồng, người đàn ông trung niên vô cùng lo lắng phải đi tìm sự thật về con trai duy nhất, dù mặt mũi giống bố như lột.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội cho biết, trong quá trình tiếp nhận các trường hợp đến làm xét nghiệm ADN để xác định huyết thống, bà vẫn nhớ mãi một người đàn ông khoảng 50 tuổi, làm nghề phong thủy, xem tướng số và bói toán. Đó là vị khách có tên Hoàng Minh Tú (hay còn gọi là thầy Tú - ở ngoại thành Hà Nội), đến trung tâm 3 lần với một mục đích duy nhất là xét nghiệm huyết thống cha-con với con trai 6 tuổi.
Bà Nga cho biết, nhiều gia đình giải quyết được mâu thuẫn, hàn gắn lại mối quan hệ sau khi có kết quả ADN.
Ông Tú chia sẻ, dù là người làm nghề tướng số, “xem” cho không biết bao nhiêu người, nhưng trớ trêu thay khi bản thân gặp vấn đề thì ông lại “bó tay”. Vợ ông Tú kém chồng gần 20 tuổi, dù thường xuyên ở nhà phụ việc cho chồng nhưng gần đây lại có tin đồn đang cặp kè với nhiều người đàn ông. Ông Tú nghe tin này vô cùng tức giận nhưng không có bằng chứng cụ thể.
Để xác minh sự thật, ông lên kế hoạch để vợ đi xem vận mệnh, tương lai cho gia đình. Khi vợ thắc mắc: “Sao chồng làm nghề mà không tự xem?”, ông Tú trả lời: “Dao sắc không gọt được chuôi”. Người vợ nghe theo, đi xem tại một nơi khác mà không biết rằng, người đó chính là bạn trong giới của ông Tú.
Trong quá trình xem tử vi, người vợ đã thành thật trả lời hết mọi câu hỏi và thắc mắc của "thầy", trong đó có cả những mối quan hệ ngoài luồng của mình. Toàn bộ cuộc nói chuyện ấy đã được ghi âm lại và gửi cho ông Tú.
Ngay sau đó, ông Tú lập tức muốn ly hôn với vợ và nghi ngờ con trai 6 tuổi không phải con mình, dù nhìn mặt ông và đứa trẻ rất giống nhau. Khi được bạn giới thiệu đi xét nghiệm ADN, người đàn ông này đã đồng ý.
Cuốn rốn dù khô, bảo quản vài năm nhưng vẫn có giá trị trong xét nghiệm ADN. Ảnh minh họa.
“Lần đầu tiên đến trung tâm, ông Tú chỉ muốn được tư vấn, không mang mẫu đến. Lần thứ 2, ông cầm theo một cuống rốn đã khô đen để yêu cầu xét nghiệm. Kết quả, mẫu ông mang đến không cùng huyết thống cha-con.
Nghe thấy vậy, ông Tú nổi đóa quyết sẽ làm tới bến với người vợ đang chờ ở nhà. Thế nhưng kết quả này lại là của bé gái, không phải là mẫu của bé trai. Bình tĩnh nghĩ lại và về nhà kiểm tra, ông Tú phát hiện đó là mẫu cuốn rốn của cháu gái, bởi gia đình ông có truyền thống lưu cuống rốn của các con, cháu sau khi rụng. Có lẽ lần trước quá nôn nóng nên ông lấy nhầm.
Ngay hôm sau, ông Tú mang một cuống rốn khác đến, lần này còn có thêm mẫu tóc của con trai để xét nghiệm cho chắc chắn. 3 ngày sau có kết quả, ông Tú cầm tờ giấy trên tay run run đọc kỹ từng chữ một và vỡ òa và nói: “Thằng bé là con tôi, phải thế chứ”. Trước khi rời trung tâm, người đàn ông này còn chia sẻ rằng, đời ông xem tử vi cho nhiều người, nhưng bản thân ông lại chỉ tin vào khoa học”, bà Nguyễn Thị Nga kể lại.
Được biết, sau khi có kết quả xét nghiệm, ông Tú quyết định tha thứ cho vợ, bởi bản thân ông tuổi cũng không còn trẻ. Hơn nữa, ông không muốn đứa con trai duy nhất của mình phải sống trong sự chia ly của bố mẹ.
Liệu có phải con cái luôn có nét giống cha mẹ?
Nhiều người cho rằng ngoại hình của con cái phải giống cha mẹ. Thực tế, nhiều trẻ có diện mạo khác biệt, chẳng hạn, gương mặt bố mẹ có nhiều nét đẹp nhưng con lại không ưa nhìn hay ngược lại.
Theo các chuyên gia về vi sinh và công nghệ di truyền, có hai loại gene gồm gene trội và gene lặn. Gene trội thường biểu hiện còn gene lặn không biểu hiện. Có nghĩa là cha mẹ có mang gene lặn nhưng không biểu hiện trên các đặc điểm ngoại hình như màu tóc, màu da hay vóc dáng... Khi chào đời, con cái không giống với vẻ ngoài của cha mẹ là do thừa hưởng các gene lặn từ phụ huynh. Gene lặn này có thể quyết định đặc điểm ngoại hình xấu hoặc đẹp hơn.
Ngoài ra, một gene lặn ở cha mẹ hiện tại có thể là gene trội ở các đời trước hoặc người có cùng huyết thống trong dòng họ với cha mẹ. Đó là lý do một số trường hợp con sinh ra không giống với cha mẹ mà giống với người thân trong dòng họ...
Xét nghiệm ADN bằng cuống rốn có độ chính xác thế nào? Với sự phát triển của kỹ thuật xét nghiệm hiện nay, mẫu cuống rốn hoàn toàn có thể dùng để xét nghiệm ADN huyết thống. Không chỉ vậy, xét nghiệm ADN ở trẻ sơ sinh bằng mẫu cuống rốn thuận tiện, đơn giản, an toàn hơn rất nhiều so với lấy các mẫu khác. Bởi cuống rốn thường tự rụng sau khoảng 2 tuần kể từ khi trẻ chào đời, khi đó chỉ cần đợi cuống rốn rụng có thể đem đi xét nghiệm ADN. Việc bảo quản mẫu cuống rốn cũng đơn giản, không yêu cầu phức tạp, chỉ cần để nơi khô thoáng, ở nhiệt độ phòng và không để mẫu cuống rốn vào túi nilon là có thể bảo quản mẫu trong vài năm, khi mang đi xét nghiệm vẫn cho kết quả chính xác. Khi xét nghiệm ADN bằng cuốn rốn cũng như một số mẫu khác sẽ biết được cả giới tính của trẻ. Đặc biệt, mẫu xét nghiệm cuống rốn cho độ chính xác cao 100% đối với trường hợp không có quan hệ huyết thống và hơn 99.99999998% đối với trường hợp có quan hệ huyết thống. |