Cô gái bị điếc do đeo tai nghe đi ngủ suốt hai năm

Ngày 13/03/2024 08:33 AM (GMT+7)

Trung Quốc - Sau hai năm đeo tai nghe và bật nhạc để đi ngủ hằng đêm, nữ bệnh nhân bị mất thính lực, phải đeo máy trợ thính.

Cô gái sống tại Sơn Đông, Trung Quốc, là thư ký cho một doanh nghiệp địa phương. Tháng 2, cô đi khám tai sau khi nhận thấy mình có một số vấn đề về thính giác. Wang cho biết trong các cuộc họp, cô không thể nghe rõ cấp trên nói gì với mình, ảnh hưởng đến công việc.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ kết luận nữ bệnh nhân bị tổn thương thần kinh thính giác vĩnh viễn ở tai trái. Tại bệnh viện, cô cho biết bản thân không sống ở môi trường có tiếng ồn lớn trong thời gian dài, nhưng có thói quen nghe nhạc bằng tai nghe mỗi tối.

"Khi còn học đại học, tôi thích ngủ khi đang nghe nhạc. Tôi đeo tai nghe cả đêm, điều này đã trở thành thói quen, duy trì được khoảng hai năm", cô nói.

Theo Li Tao, Giám đốc Khoa Tai mũi họng của bệnh viện, đây chính là nguyên nhân khiến Wang mất thính lực. Âm lượng trong tai nghe không quá lớn, tuy nhiên có thể gây tổn thương vĩnh viễn nếu tác động đến màng nhĩ trong thời gian dài.

May mắn, chỉ tai trái của cô Wang bị ảnh hưởng, cô có thể đeo máy trợ thính để hỗ trợ thính giác.

Loại tai nghe hiện được nhiều người sử dụng. Ảnh: Pexel

Loại tai nghe hiện được nhiều người sử dụng. Ảnh: Pexel

Trường hợp tương tự xảy ra vào năm 2019. Một người đàn ông ở Đài Loan đã bị điếc một bên tai vì thường xuyên ngủ quên khi đang nghe nhạc. Theo Tian Huiji, Giám đốc Khoa Tai mũi họng tại Bệnh viện Đại học Châu Á, Đài Loan, khi con người chìm vào giấc ngủ, quá trình lưu thông máu trong cơ thể chậm lại. Trong khi đó, các tế bào lông trong tai vẫn bị âm thanh kích thích, cơ thể lại cung cấp đủ máu. Điều này có thể dẫn đến điếc đột ngột.

Ông cũng lưu ý tai nghe dạng earbuds đặc biệt nguy hiểm, bởi nó không cho âm thanh thoát ra ngoài. Headphone có đệm là lựa chọn an toàn hơn, bởi chúng có cơ chế thoát âm. Tiến sĩ Huiji khuyến nghị không nên sử dụng các loại tai nghe trong khi ngủ, để tai nghỉ ngơi 10 phút sau mỗi 50 phút sử dụng các loại phụ kiện âm thanh này.

Câu chuyện của Wang lan truyền rộng rãi ở Trung Quốc, được giới trẻ coi như bài học cảnh giác. Các bác sĩ khuyên mọi người tuân theo nguyên tắc 60-60-60 để tránh các vấn đề tương tự. Tức là không để tai tiếp xúc với âm thanh vượt quá 60 decibel trong thời gian dài, không đeo tai nghe hoặc nghe nhạc lớn quá 60 phút và khi sử dụng thiết bị điện tử phát âm thanh, giữ âm lượng dưới 60%.

Còn trẻ mà thường xuyên đeo tai nghe có dễ bị điếc không?
Liệu thường xuyên đeo tai nghe, mở nhạc tiếng to khi làm việc, tập thể dục có dẫn đến giảm thính lực? Câu hỏi của nữ thiết kế tại Hà Nội sẽ được TS,...

Ù tai

Thục Linh (Theo Oddity Central)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác