Hiện rất nhiều người trẻ vì chủ quan không đi khám định kỳ, đến khi bất ngờ phát hiện thì thận đã xơ teo, mất toàn bộ chức năng và phải chạy thận suốt đời.
Người trẻ bị suy thận gia tăng
Bác sĩ Nguyễn Đăng Quốc - Trưởng khoa Thận Nhân tạo (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, trong năm 2023 số lượng người trẻ đến khám và phát hiện bị suy thận, phải lọc máu gia tăng đột biến so với những năm trước. Đây thực sự là điều rất đáng cảnh báo, bởi nó ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, công việc và học tập của những người trẻ tuổi.
Theo bác sĩ Quốc, nếu như người cao tuổi bị suy thận phải lọc máu là do mắc các bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường… thì những người trẻ phát hiện suy thận gần đây lại hầu như không xác định được nguyên nhân cụ thể. Đa số các trường hợp trẻ tuổi tới khám, làm sinh thiết thận mới phát hiện thận đã bị xơ teo, mất hoàn toàn chức năng.
Bác sĩ Quốc lấy ví dụ một nam sinh Đại học Bách khoa Hà Nội, bị suy thận giai đoạn cuối trong khi trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh lý mãn tính nào. Theo chia sẻ của nam sinh này, do áp lực học tập nên em thường xuyên phải thức khuya, cuộc sống xa nhà nên ăn uống cũng không điều độ. Gần đây khi thấy cơ thể mệt mỏi, hay lả đi, bệnh nhân mới đến viện khám sức khỏe. Kết quả thăm khám cho thấy, nam sinh bị suy thận giai đoạn cuối, có chỉ định phải chạy thận nhân tạo.
Một bệnh nhân 20 tuổi đã phải chạy thận 5 năm vì thận suy, mất hoàn toàn chức năng. Ảnh: Lê Phương.
Hay một trường hợp khác là nam sinh lớp 12, cũng được chẩn đoán bị suy thận không rõ nguyên nhân, phải chạy thận nhân tạo định kỳ 3 ngày/lần. Cơ thể mệt mỏi, tâm lý hoang mang, nam sinh đã phải bỏ học giữa chừng.
“Tôi còn nhớ mãi trường hợp một cô gái 27 tuổi, mới lấy chồng và cả hai vợ chồng làm công nhân. Khi thấy cơ thể mệt mỏi, đi khám, cô gái bất ngờ phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận. Kết quả này khiến hai vợ chồng rất bàng hoàng, lo lắng. Đáng nói, trường hợp này cũng không thể tìm được nguyên nhân gây bệnh”, bác sĩ Quốc chia sẻ.
Đừng bán rẻ sức khỏe để kiếm tiền và hãy sống chậm hơn
Bác sĩ Nguyễn Đăng Quốc cho biết, thực tế thận mất chức năng chỉ là hệ lụy của những vấn đề sức khỏe khác đặc biệt là các bệnh lý mãn tính không lây như rối loạn chuyển hóa, tiểu đường, huyết áp… Trong đó, rối loạn chuyển hóa gặp ở người trẻ khá nhiều, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến lối sống hàng ngày.
Bác sĩ Nguyễn Đăng Quốc cảnh báo, làm việc lao lực, sinh hoạt thiếu khoa học làm tăng nguy cơ thận hỏng. Ảnh: Lê Phương.
“Học sinh, sinh viên thì thường xuyên thức đêm, không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Những người đã tốt nghiệp thì lại làm việc gắng sức để kiếm tiền. Đặc biệt, giới trẻ hiện nay còn thường xuyên dùng nhiều đồ ăn nhanh, ít vận động ... Tất cả những điều trên đều ảnh hưởng đến chức năng của thận. Mọi người đừng bán rẻ sức khỏe để kiếm tiền bằng mọi giá, hãy sống chậm lại, dành nhiều thời gian chăm lo cho sức khỏe hơn nữa”, bác sĩ Quốc cảnh báo.
Một lý do khác khiến nhiều người trẻ phát hiện suy thận khi đã ở giai đoạn muộn, là các triệu chứng ở giai đoạn sớm của bệnh này biểu hiện rất mờ nhạt, đôi khi dấu hiệu chỉ là đau đầu nên không ít người sẽ bỏ qua hoặc tự uống thuốc. Qua nhiều lần như vậy, khi triệu chứng nặng lên mới đi khám thì bệnh nhân đã suy thận giai đoạn cuối.
Do vậy, theo bác sĩ, mọi người nên chú ý tới việc khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm nước tiểu và một số chỉ số liên quan đến thận để biết chức năng thận của bản thân đang hoạt động thế nào. Khi có các kết quả này, thầy thuốc có thể tư vấn giúp bạn cách để chăm sóc thận được tốt hơn.
Ngoài ra, trong cuộc sống, mọi người cần thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ ăn cân bằng, uống đủ nước, không ăn mặn, không lạm dụng thuốc, đồ uống có cồn, tập thể dục đều đặn… để bảo vệ chức năng thận.
Bác sĩ Quốc tư vấn, những người sau nên tầm soát bệnh thận định kỳ: + Người cao tuổi; + Người tăng huyết áp, đái tháo đường; + Rối loạn chuyển hóa lipit, gút; + Trẻ nhẹ cân, thiếu tháng; + Người có người thân mắc thận. |