Ăn quá nhiều đạm thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt chó, thịt cừu… có thể làm tăng khả năng bị suy thận. Thế nhưng, nếu chuyển sang ăn thịt gà và cá thì nguy cơ này giảm đáng kể.
Ăn nhiều protein từ thịt đỏ gây hại cho thận
Nhiều người khi giảm cân không ăn các thực phẩm giàu tinh bột mà ngược lại sẽ bổ sung nhiều protein (đạm) từ thịt để cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể, từ đó tạo cảm giác no lâu và không sợ ăn quá nhiều calo.
Tuy nhiên, bác sĩ Tiêu Tiệp Kiện, chuyên gia kiểm soát cân nặng tại Phòng Khám Tạm Thụ (Đài Bắc, Đài Loan) cho biết, protein rất quan trọng cho dù là giảm cân hay tập thể hình, protein là nguyên liệu để xây dựng cơ bắp, có thể duy trì tỷ lệ trao đổi chất cơ bản và khiến bạn cảm thấy no sau khi ăn. Tuy nhiên, protein cũng có nhược điểm riêng, nếu ăn quá nhiều protein từ thịt đỏ sẽ làm tăng tốc độ suy thận.
Ăn nhiều thịt đỏ làm tăng gánh nặng cho thận (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Tiêu Tiệp Kiện giải thích rằng, khi chúng ta ăn thực phẩm giàu protein, đặc biệt là thịt đỏ, sẽ tạo ra nhiều chất chuyển hóa có tính axit hơn. Những chất chuyển hóa này cần được thận lọc và đào thải ra ngoài, ăn quá nhiều thịt đỏ sẽ làm tăng khối lượng công việc cho thận, từ đó dẫn đến chức năng thận bị suy giảm dần và dẫn đến bệnh thận mãn tính.
Bác sĩ cho biết thêm, thịt đỏ là thịt từ các loại “động vật bốn chân”, chẳng hạn như thịt bò, thịt lợn, thịt dê, thịt cừu… Các loại thịt này nên ăn với lượng vừa phải.
Theo một nghiên cứu của Đan Mạch, sự xuất hiện của bệnh suy thận phần lớn là do việc kiểm soát kém các bệnh mãn tính như tiểu đường và huyết áp cao, đồng thời không ăn cân bằng tất cả các nguồn protein. Ăn nhiều thịt đỏ trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận mãn tính, nhưng protein từ thịt trắng và các sản phẩm từ sữa thì không, và protein từ rau và trái cây cũng có thể bảo vệ thận.
Những nguồn cung cấp protein tốt nhất
Trứng: Trứng luôn được xem là thực phẩm cung cấp protein tốt nhất cho cơ thể vì nó chứa nhiều axit amin sinh học như tryptophan, methionin, cystein, arginine. Thậm chí, chỉ số whey protein (đạm từ váng sữa) của trứng còn cao hơn cả thịt bò. Do đó, trứng cực tốt trong quá trình bổ sung protein chất lượng cao cho cơ thể.
Ức gà chứa protein chất lượng cao, vừa giúp giảm cân, lại có lợi cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Ức gà: Ức gà là thực phẩm lý tưởng để xây dựng, bồi dưỡng các mô và duy trì cơ nạc, vì chúng có hàm lượng chất béo bão hòa và natri thấp tự nhiên. Ngoài ra, ức gà còn là một nguồn cung cấp vitamin B dồi dào, rất cần thiết cho sự tổng hợp DNA, duy trì năng lượng cho sức khỏe não bộ.
Đậu phụ: Được làm từ quá trình ngâm, xay và nghiền đậu nành, đậu phụ là một loại protein hoàn chỉnh, chứa tất cả 9 axit amin thiết yếu. Đậu phụ là một nguồn cung cấp sắt và canxi tuyệt vời và rất giàu isoflavone, giúp bảo vệ chống lại bệnh tim, loãng xương và một số bệnh ung thư.
Cá hồi: Loài cá này là nguồn protein chất lượng cao cực tốt cho cơ thể vì chúng chứa ít natri và chất béo bão hòa tự nhiên. Đồng thời, cá còn là nguồn cung cấp chất béo omega-3, vitamin B12, Kali, sắt và vitamin D dồi dào giúp chống viêm và đặc biệt tốt cho tim mạch.
Hạt dẻ cười: Trong tất cả các loại hạt, hạt dẻ cười là một trong những loại hạt có hàm lượng protein cao nhất. Chúng cũng là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin B6 và chất béo không bão hòa. Nhờ kết hợp các chất dinh dưỡng này, hạt dẻ cười là nguồn thực phẩm quý giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
Đạm từ đậu lăng là đạm thực vật, rất thân thiện với sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Đậu lăng: Đậu lăng chứa nhiều procyanidin và flavanols, là những chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng chống viêm và bảo vệ thần kinh. Đây cũng là thực phẩm có thể thay thế thịt vì trong thành phần của hạt đấu chứa hơn 25% protein.
Protein là một chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng và là một phần của mọi tế bào sống. Protein đóng vai trò chính trong cơ thể bạn, đặc biệt là với cơ bắp và sức mạnh của bạn.
Nên tiêu thụ bao nhiêu đạm mỗi ngày?
Bác sĩ Tiêu Tiệp Kiện nói thêm rằng nếu mục tiêu là tăng cơ, bạn nên ăn 1-1,5g đạm/kg cân nặng mỗi ngày. Lấy một người 70kg làm ví dụ, anh ta nên ăn ít nhất 70 ~ 105g protein mỗi ngày. Nếu mục tiêu là giảm béo, anh ta nên ăn ít nhất 1,5-2g đạm/kg trọng lượng mỗi ngày, để không gây tiêu hao cơ bắp và suy giảm trao đổi chất. Cần nhiều protein hơn để ngăn ngừa mất cơ bắp hơn là để xây dựng cơ bắp.