Không ít chị em thích sống ảo, thể hiện mình và muốn “cầm trịch” trong gia đình, điều đó khiến cho trẻ nhận thấy làm đàn ông quá khổ và chúng có nhận thức sai lệch về giới tính.
M.Q (16 tuổi, ở Hà Nội) có ngoại hình cao lớn, khuôn mặt rất đẹp trai, nhưng thật bất ngờ khi Q lại muốn mình là con gái. Anh M.Đ (43 tuổi, bố Q) cho biết, từ nhỏ cháu sinh ra, lớn lên và phát triển bình thường. Khi còn nhỏ, cháu thích những môn thể thao dành cho nam giới như đá bóng, bóng chuyền và là người khá mạnh mẽ so với bạn cùng trang lứa.
Từ năm 12 tuổi trở đi Q bắt đầu thay tính, đổi nết khi ít giao lưu với bạn bè, không thích chơi đá bóng, thích bắt chuyện và làm quen với những bạn gái hơn. Tưởng rằng con đang tuổi dậy thì nên bắt đầu biết yêu, bố mẹ cũng không can thiệp nhiều. Thế nhưng, khi quan sát thấy con trai bắt đầu thích đồ sặc sỡ của con gái, thích quàng khăn và cả việc trang điểm, khi đó anh Đ mới bắt đầu lo lắng.
Đưa đi khám tâm lý, qua làm các bài test và hỏi chuyện, bác sĩ nhận định cháu Q bị rối loạn nhận thức giới tính. Đáng buồn nhất, nguyên nhân dẫn tới rối loạn này lại xuất phát từ chính gia đình mà cháu sinh hoạt hàng ngày.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, GĐ Viện Tâm lý học và Truyền thông (Hội Tâm lý Việt Nam) cho biết, khi tách bố mẹ cháu bé ra để hỏi chuyện, khi đó cháu mới tiết lộ sự thật phía sau và chính điều này đã tác động đến nhận thức giới tính của trẻ.
Trẻ vị thành niên rất nhạy cảm, chúng có thể bị lệch lạc về giới tính khi bị những tác động bên ngoài. Ảnh minh họa.
Q chia sẻ, trong cuộc sống gia đình, bố mẹ thường hay cãi cọ nhau, bố là người hiền lành nên khi mẹ quát mắng bố thường im đi cho xong chuyện. Trong khi bố khổ sở, chật vật kiếm tiền thì mẹ suốt ngày son phấn, diện những bộ đồ đẹp kể cả khi ở nhà, lẫn khi ra ngoài và rất thích sống ảo.
“Sống trong một gia đình như vậy, cháu bé nhận thấy đàn ông quá khổ, trong khi phụ nữ lại quá an nhàn. Chính điều đó làm cho đứa trẻ đang tuổi phát triển tâm sinh lý cảm thấy sợ làm đàn ông, sợ trách nhiệm của người đàn ông, lâu dần cháu bị rối loạn nhận thức giới tính”, bác sĩ Bách nhận định.
Theo bác sĩ Bách, trường hợp này là rối loạn nhận thức giới tính ngoại sinh, do ngoại cảnh tác động vào vì thế có thể trị liệu được. Còn với những trường hợp bị rối loạn nhận thức giới tính nội sinh việc điều trị dường như không được kết quả như mong muốn.
“Khi bị ngoại cảnh tác động vào khiến cho não bị áp bức, những điều đó dần dần in hằn vào tâm trí của con, làm thay đổi nhận thức về giới tính của con”, bác sĩ Bách nói.
Với trường hợp này, sau khi điều trị một thời gian, chàng thiếu niên đã nhận thức tốt hơn về tư duy, lối sống cũng như hành vi của mình. Thông tin mới nhất từ phía gia đình cho biết, hiện cháu đã đi Mỹ du học và nhận thức mình là đàn ông chứ không phải phụ nữ.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách cho rằng, môi trường gia đình ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, nhân cách của trẻ. Ảnh: BSCC.
Từ trường hợp trên, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách cho rằng, môi trường giáo dục, môi trường gia đình ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, nhân cách của đứa trẻ. Khi bố mẹ bất đồng, hay cãi vã trước mặt trẻ sẽ ảnh hưởng đến tính cách và nhân cách sau này của con.
Trong đó, ở lứa tuổi từ 12 đến 16 là bị tác động nhiều nhất, dù đứa trẻ có cứng rắn đến đâu thì những tác động từ gia đình cũng in hằn trong trí não của chúng. Nếu những tác động mang tính chất tiêu cực, nó sẽ gây rối loạn định hướng, trẻ không biết nên đứng về phía ai. Khi đó, nếu ai chiều chuộng trẻ nhiều hơn, trẻ sẽ nghiêng về người đó.
“Có rất nhiều trường hợp, mẹ chiều con hơn, khi có chuyện xảy ra đứa trẻ sẽ ngả hẳn về mẹ và tẩy chay bố. Hoặc sẽ dẫn đến tình trạng phản kháng những người nó không thích. Trong khi không phải người mẹ nào cũng có đủ kiến thức, kinh nghiệm để dạy con. Vì thế, khi có chuyện xảy ra, tốt hơn hết bố mẹ hãy chia sẻ riêng với nhau, tìm cách giải quyết vấn đề thay vì có những hành động, lời nói thiếu tôn trọng nhau ở trước mặt trẻ”, bác sĩ Bách tư vấn.