Có nên nặn mụn không? Bị mụn nên làm gì?

Khánh Hằng - Ngày 07/04/2021 17:00 PM (GMT+7)

Mụn là vấn đề mà hầu hết ai cũng gặp phải ít nhất một lần trong đời. Vậy nên giải quyết mụn như thế nào, có nên nặn mụn không?

Hầu hết mọi người đều gặp phải mụn ít nhất một lần trong đời. Mặc dù bạn có thể loại bỏ các nốt mụn dễ dàng bằng cách nặn mụn nhưng các bác sĩ và chuyên gia da liễu lại không bao giờ khuyến khích việc này. Đó là bởi vì việc nặn mụn không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và để lại sẹo.

Các loại mụn

Hầu hết mụn nhọt hình thành do các tế bào da bao quanh nang lông bị dính vào nhau, gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến việc hình thành mụn như: hoóc-môn, phản ứng dị ứng, vi khuẩn, dầu tự nhiên do da tiết ra. Kết quả của nó khiến lỗ chân lông bị tắc do dầu, mủ hoặc bã nhờn, thậm chí một số vùng da còn có thể bị sưng tấy, viêm nhiễm.

Dưới đây là 3 loại mụn phổ biến nhất:

- Mụn đầu đen: Khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi dầu và tế bào chết, dầu và các tế bào che phủ lỗ chân lông sẽ chuyển sang màu đen khi tiếp xúc với không khí, tạo ra mụn đầu đen. 

- Mụn đầu trắng: Mụn đầu trắng cũng tương tự như mụn đầu đen nhưng phía trên được bao phủ bởi chính da của bạn. Bên trên mụn đầu trắng luôn có một lớp da bao phủ, cứng và làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

- Mụn mủ: Là những vết mụn sâu hơn, khó nặn hơn, thường có màu đỏ trắng và bị viêm.Mụn mủ có thể do dị ứng, nội tiết tố, vi khuẩn hoặc một số tình trạng da đặc biệt.

Có nên nặn mụn không? Bị mụn nên làm gì? - 1

Khi lỗ chân lông bị tắc hoặc mụn hình thành dưới da, các nang lông sẽ chứa đầy mủ hoặc bã nhờn (dầu). Sau đó, nang lông có thể bị vỡ ra, phá vỡ sự tắc nghẽn lỗ chân lông. Đây là cơ chế tự nhiên của da để giải quyết các lỗ chân lông bị tắc và mụn trứng cá. Khi bạn tự nặn mụn tức là bạn đang kích hoạt quá trình chữa lành này để loại bỏ mụn, nhưng nó vẫn có những nguy cơ đi kèm.

Có nên nặn mụn không?

Theo nguyên tắc chung, bạn không nên tự nặn mụn. Nếu bạn cố nặn mụn và khiến hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ, bạn có nguy cơ bị sẹo mụn vĩnh viễn. Nếu mụn của bạn có chứa mủ bị nhiễm trùng, việc nặn mụn có thể khiến vi khuẩn lây lan sang các lỗ chân lông và nang lông khác, đồng thời tạo ra ổ mụn lớn hơn.

Việc nặn mụn cũng có thể làm trì hoãn quá trình chữa lành tự nhiên của da, khiến cho nốt mụn bị kéo dài lâu hơn.

Nếu cố gắng nặn mụn mà không được, bạn có thể đẩy chất chứa trong mụn xuống sâu hơn bên dưới lớp da. Điều này có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông của bạn nhiều hơn, làm cho mụn nổi nhiều hơn hoặc gây ra tình trạng viêm dưới da, khiến tình trạng da ngày càng xấu đi.

Nếu vẫn muốn tự nặn mụn tại nhà, bạn vẫn có thể áp dụng những phương pháp dưới đây để hạn chế nhất có thể việc tổn thương da, khiến nốt mụn trở nên nghiêm trọng hơn.

Có nên nặn mụn không? Bị mụn nên làm gì? - 2

- Mụn đầu đen: Bạn có thể bôi một số loại thuốc như axit salicylic hoặc benzoyl peroxide lên mụn đầu đen để nới lỏng nốt mụn trước khi tự nặn mụn. Nên rửa tay thật sạch, sau đó dùng ngón tay ấn vào hai bên lỗ chân lông bị tắc để lấy mụn đầu đen ra.

- Mụn đầu trắng: Khử trùng kim bằng cồn và châm nhẹ vào vùng da bị tắc lỗ chân lông, sau đó ấn nhẹ vào 2 bên để lấy nhân mụn ra, tiếp tục sử dụng sản phẩm làm se khít lỗ chân lông để tránh mụn phát triển.

- Mụn mủ: Mụn mủ thường nằm sâu dưới lớp da và rất khó lấy. Bạn nên sử dụng một miếng gạc ấm đắp lên vết mụn để mở lỗ chân lông và khiến lớp mủ đến gần bề mặt da hơn. Rửa sạch tay rồi nặn mụn như bình thường. Tuy nhiên, các bác sĩ da liễu khuyên không nên tự nặn mụn mủ tại nhà. Đây là loại mụn khó xử lý, nếu không cẩn thận có thể để lại thâm sẹo vĩnh viễn.

Nặn mụn không phải cách duy nhất để làm sạch da cho bạn. Với người bị mụn, có một số cách khác để khắc phục làn da:

- Sử dụng một số sản phẩm hoặc thuốc có chứa axit salicylic hoặc benzoyl peroxide hàng ngày để làm sạch mụn và làm thông thoáng lỗ chân lông.

- Có thể dùng miếng gạc lạnh hoặc nước đá để giảm đau và sưng tấy do nốt sần và mụn mủ.

- Chườm ấm cũng có tác dụng làm trôi bụi bẩn và vi khuẩn, tăng tốc độ chữa lành các lỗ chân lông bị tắc.

- Sử dụng các chất có trong tự nhiên như cồn pha loãng và dầu cây trà, có tác dụng làm khô, se khít lỗ chân lông, loại bỏ tắc nghẽn do bã nhờn.

Những điều nên làm khi bị mụn

Hãy tuân thủ những điều sau để giảm bớt tình trạng mụn trên da, đồng thời ngăn chặn mụn tái phát trong tương lai:

Có nên nặn mụn không? Bị mụn nên làm gì? - 3

- Tuân thủ chế độ điều trị mụn lâu dài.

- Để da lành tự nhiên nhất có thể.

- Sử dụng loại sữa rửa mặt dịu nhẹ để rửa 2 lần mỗi ngày.

- Luôn làm sạch cơ thể và da mặt bằng xa phòng diệt khuẩn sau khi tập luyện.

- Hạn chế đặt tay lên mặt nhiều nhất có thể, đặc biệt là khi sử dụng các bề mặt dùng chung như ở trường học, nơi làm việc và trên các phương tiện giao thông công cộng.

- Tới bệnh viện da liễu để tham khảo ý kiến và phương pháp điều trị của bác sĩ khi gặp các tình trạng bất thường trên da.

- Nếu cảm thấy cần nặn mụn, nên tuân thủ vệ sinh và đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật.

- Duy trì chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh, phù hợp.

Nguồn tham khảo:

Popping a Pimple: Should You or Shouldn't You? - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 16/1/2019.

Đau dạ dày có nên ăn sữa chua không?
Đau dạ dày là căn bệnh khó chữa, gây nên rất nhiều bất tiện và đau đớn cho người bệnh. Vậy khi đau dạ dày có nên ăn sữa chua không?
Khánh Hằng (Dịch từ Healthline)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cách trị mụn đầu đen