Đau dạ dày là căn bệnh khó chữa, gây nên rất nhiều bất tiện và đau đớn cho người bệnh. Vậy khi đau dạ dày có nên ăn sữa chua không?
Mức độ nguy hiểm của bệnh đau dạ dày
Đau dạ dày là một căn bệnh khá phổ biến, nhiều người mắc phải. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận vào năm 2012, tỷ lệ mắc bệnh đau dạ dày ở một số nước Đông Nam Á đạt tới 40,8%. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu biết rõ về căn bệnh này.
Đau dạ dày là tình trạng dạ dày bị tổn thương do viêm loét. Người đau dạ dày sẽ luôn cảm thấy đau âm ỉ, kéo dài trong bụng. Khi quá đói hoặc ăn quá no, người bệnh đều dễ bị đau. Ngay cả khi làm việc quá sức, thức khuya, ăn uống không điều độ hoặc tâm trạng thất thường, tình trạng đau dạ dày sẽ ngày càng nặng hơn.
Một số triệu chứng dễ nhận biết của bệnh đau dạ dày bao gồm:
- Ợ chua, ợ nóng
- Đau thượng vị
- Ăn uống kém đi
- Chướng hơi, đầy bụng
- Có cảm giác buồn nôn, bị nôn
- Bị chảy máu tiêu hóa: nôn ra máu hoặc đi vệ sinh có dính máu.
Bệnh đau dạ dày có thể dẫn đến rất nhiều nguy cơ nguy hiểm, tuy nhiên nhiều người vẫn còn thờ ơ, coi thường với nó. Nếu tình trạng bệnh kéo dài, người bệnh có thể bị rò rỉ dạ dày, những vết thương và vết loét xuyên qua thành dạ dày khiến dạ dày bị thủng, dẫn tới những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.
Để điều trị và ngăn chặn bệnh đau dạ dày, bạn nên sắp xếp một chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh và cân bằng, tránh những thực phẩm có hại, chất kích thích, đồ cay nóng và chua. Đồng thời, người bị bệnh dạ dày nên bổ sung những loại thực phẩm như: các loại thực phẩm thô, bánh mì, chuối, táo, trà thảo dược, nước dừa, gừng, thì là, đậu bắp, súp lơ, các loại quả mọng...
Lợi ích của sữa chua
Sữa chua được làm từ quá trình lên men sữa nhờ vi khuẩn. Những vi khuẩn này sẽ giúp lên men đường lactose có trong sữa, tạo ra axit lactic, chất này giúp protein trong sữa đông lại, tạo ra hương vị và kết cấu cho sữa chua.
Trong sữa chua có rất nhiều chất dinh dưỡng quan trọng và có lợi, tiêu biểu phải kể đến canxi, chỉ một cốc sữa chua trung bình đã cung cấp tới 49% nhu cầu canxi hàng ngày của bạn. Bên cạnh đó, trong sữa chua còn chứa nhiều vitamin B12, riboflavin, giúp chống lại bệnh tim và các dị tật bẩm sinh ống thần kinh.
Chỉ một cốc sữa chua trung bình đã cung cấp tới 38% nhu cầu hàng ngày về phốt pho, 12% magiê và 18% kali. Những khoáng chất này đều cần thiết cho một số quá trình sinh học của cơ thể, chẳng hạn như điều chỉnh huyết áp, sự trao đổi chất và sức khỏe của xương. Ngoài ra, sữa chua rất giàu protein.
Một số lợi ích phải kể đến của sữa chua như:
- Tốt cho hệ tiêu hóa
- Ngăn ngừa loãng xương
- Giảm cholesterol trong máu
- Hỗ trợ giảm cân
- Nâng cao sức đề kháng, tăng cường miễn dịch
- Tốt cho hệ tim mạch
- Bảo vệ răng lợi
- Chống loét dạ dày
- Giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng
- Tốt cho làn da.
Đau dạ dày có nên ăn sữa chua?
Sữa chua rất tốt cho hệ tiêu hóa nhưng lại mang tính chua, do đó rất nhiều người thắc mắc liệu người bị đau dạ dày có nên ăn sữa chua không?
Thực chất, sữa chua là một thực phẩm tốt cho những người bị đau dạ dày vì nó có thể giúp tăng vi khuẩn tốt trong cơ thể. Sữa chua có chứa men vi sinh có thể làm tăng khả năng chống lại vi khuẩn có hại của cơ thể. Không chỉ vậy, sữa chua giàu vi khuẩn tốt cũng có thể làm dịu dạ dày để làm giảm bệnh trào ngược dạ dày (GERD). Với việc sử dụng sữa chua, giúp cho thời gian thức ăn di chuyển vào ruột có thể tăng nhanh hơn.
Hiệp hội tiêu hóa Hoa Kỳ cũng khuyến cáo sữa chua có tác dụng duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ngăn ngừa táo bón, tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa khác.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh tiêu hóa năm 2009 đã chỉ ra men vi sinh có tác dụng chữa bệnh trên đường ruột và ngăn ngừa tình trạng táo bón.
Có đến 86% những người tiêu thụ sữa chua cùng với thuốc loét dạ dày đã giảm số lượng vi khuẩn H. pylori nhiều hơn so với 71% những người dùng thuốc loét đơn thuần.
Do đó, sữa chua không chỉ an toàn mà còn rất tốt cho bệnh nhân mắc đau dạ dày. Tuy nhiên, bạn cũng cần biết cách sử dụng sữa chua đúng đắn và hợp lý để đem lại những lợi ích tốt nhất cho sức khỏe.
Lưu ý khi ăn sữa chua
- Ăn đúng thời điểm: Nên ăn sữa chua 1-2h sau bữa ăn, không nên ăn lúc quá no hoặc quá đói.
- Ăn với lượng vừa phải: Mặc dù rất tốt những không phải cứ ăn nhiều sữa chua sẽ mang lại lợi ích. Mỗi ngày, bạn chỉ nên ăn 250 - 500 gram sữa chua, tương đương 1-2 hộp mỗi ngày.
- Không nên để sữa chua đông cứng hay hâm nóng sữa chua.
- Không nên ăn sữa chua với những thực phẩm như lạp xưởng, xúc xích, thịt hun khói... những loại thịt chế biến nhiều dầu mỡ.
- Một số đối tượng nên hạn chế ăn sữa chua: Trẻ em dưới 6 tháng tuổi; người bị lạnh bụng, đi ngoài hoặc đang có vấn đề về tiêu hóa; người bị bệnh tiểu đường, xơ cứng động mạch, viêm túi mật và viêm tuyến tuỵ.
Nguồn tham khảo: 7 Impressive Health Benefits of Yogurt - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 20/1/2017. |