Bệnh gút là một loại viêm khớp gây sưng, viêm và đau dữ dội tại các khớp. May mắn thay, bạn có thể cải thiện bệnh gout bằng chế độ ăn uống cũng như tập luyện hàng ngày.
Bệnh gout là gì?
Bệnh gout (gút) còn có tên gọi khác là thống phong. Đây là một dạng rối loạn chuyển hóa nhân purin diễn ra trong thận, từ đó khiến thận suy yếu và không thể tiếp tục đào thải axit uric từ trong máu, dẫn đến tích tụ tại các khớp. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng sưng, đau đột ngột và nghiêm trọng ở các khớp.
95% các trường hợp bị gout xảy ra ở nam giới, độ tuổi thường gặp là 30-60 tuổi. Gần một nửa số trường hợp bệnh gout ảnh hưởng đến ngón chân cái, ngoài ra còn ảnh hưởng đến những bộ phận khác như ngón tay, cổ tay, đầu gối và gót chân. Các cơn đau gout thường xảy ra vào ban đêm và có thể kéo dài từ 3-10 ngày. Những bệnh nhân bị gout là do tạo ra quá nhiều axit uric do di truyền hoặc do chế độ ăn uống không lành mạnh.
Một số triệu chứng của bệnh gout:
- Khớp đau đột ngột, dữ dội, sưng tấy
- Khớp đau nhiều hơn khi đụng vào
- Khớp sưng đỏ
- Vùng xung quanh khớp ấm lên
Bệnh gout gây ra rất nhiều khó khăn, đau đớn và bất tiện trong cuộc sống hàng ngày cho bệnh nhân. May mắn là bệnh gout có thể điều trị bằng thuốc, kết hợp với chế độ ăn uống và thay đổi lối sống lành mạnh.
Thức ăn mà bạn tiêu thụ hàng ngày có liên quan trực tiếp đến bệnh gout. Nếu bạn đang bị gout, một số loại thực phẩm nhất định có thể làm tăng nồng độ axit uric, khiến tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Thực phẩm kích thích thường chứa nhiều purin, một chất được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm. Khi bạn tiêu hóa purin, cơ thể sẽ tạo ra axit uric dưới dạng chất thải. Với những người khỏe mạnh, cơ thể sẽ có cơ chế tự đào thải axit uric một cách hiệu quả. Nhưng với người bị gout, axit uric sẽ bị tích tụ lại, gây ra cơn đau gout.
Những thực phẩm dễ gây ra cơn đau gout bao gồm nội tạng, thịt đỏ, hải sản, rượu và bia... Chúng chứa một lượng purin từ trung bình đến cao.
Đường fructose và đồ uống có đường cũng có thể gây ra cơn đau gout mặc dù chúng không chứa nhiều purin. Những thực phẩm này làm tăng axit uric bằng cách thúc đẩy một số quá trình tế bào.
Mặt khác, nhiều nghiên cứu chỉ ra các sản phẩm sữa ít béo, các sản phẩm từ đậu nành và bổ sung vitamin C có thể giúp ngăn ngừa các cơn gout bằng cách giảm nồng độ axit uric trong máu.
Bệnh gout nên ăn gì?
Với những bệnh nhân gout, nên tránh các loại thực phẩm giàu purin. Thực phẩm được coi là ít purin khi chúng có ít hơn 100 mg purin trên 100 gram.
Dưới đây là một số thực phẩm có hàm lượng purin thấp được coi là an toàn cho bệnh nhân gout:
- Trái cây: Tất cả các loại trái cây nói chung đều tốt cho người bị gout. Một số loại trái cây như quả anh đào thậm chí còn có khả năng giúp ngăn ngừa các cơn đau đớn do gout gây ra bằng cách giảm nồng độ axit uric và giảm viêm.
- Rau: Tương tự trái cây, tất cả các loại rau đều tốt cho bệnh nhân gout, đặc biệt là những loại rau màu xanh đậm, khoai tây, đậu Hà Lan, nấm, cà tím...
- Các loại đậu (đỗ): Tất cả các loại đậu như đậu lăng, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành... đều giúp giảm nồng độ axit uric.
- Các loại hạt và ngũ cốc: Yến mạch, gạo lứt, lúa mạch...
- Các sản phẩm từ sữa: Tất cả các loại sữa đều an toàn cho người bị gout nhưng sữa ít đường có nhiều lợi ích hơn.
- Trứng
- Đồ uống: Cafe, trà và trà xanh.
- Thảo mộc và gia vị.
- Dầu thực vật: Dầu hạt cải, dầu dừa, dầu ô liu và hạt lanh.
Ngoài nội tạng và một số loại cá nhất định, người bị gout vẫn có thể tiêu thụ hầu hết các loại thịt khác ở mức vừa phải, trung bình 115–170 gram/ lần, vài lần/ tuần. Các loại thịt như thịt gà, thịt bò, thịt lợn và thịt cừu hoặc cá hồi thường chứa hàm lượng purin trung bình, có thể tiêu thụ ở mức vừa phải để bổ sung dưỡng chất mà không ảnh hưởng trực tiếp đến cơn đau gout.
Bệnh gout không nên ăn gì?
Những thực phẩm giàu purin là thủ phạm chính gây ra những cơn đau gout. Thực phẩm giàu purin thường chứa hơn 200 mg purin trên 100 gram. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh các loại thực phẩm có hàm lượng fructose cao vì có nguy cơ làm tăng nồng độ axit uric.
Dưới đây là những thực phẩm nên tránh khi bị gout:
- Tất cả các loại nội tang: Gan, lòng, dồi, tim, óc...
- Một số loại thịt như gà lôi, thịt bê và thịt nai.
- Một số loại cá như: Cá trích, cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá cơm, cá tuyết...
- Một số loại hải sản: Sò điệp, cua, tôm và trứng cá...
- Đồ uống có nhiều đường, đặc biệt là nước hoa quả và nước ngọt có đường.
- Đường bổ sung: Mật ong, si rô hữu cơ, si rô có hàm lượng đường cao.
- Men: Men dinh dưỡng, men bia và các chất bổ sung men khác.
Bên cạnh đó, bệnh nhân gout cũng nên tránh các loại carbs tinh chế như bánh mì trắng, bánh ngọt và bánh quy. Dù chúng không chứa nhiều purin hoặc fructose nhưng lại có khả năng làm tăng nồng độ axit uric, gây ra cơn đau gout.
Những món ăn chữa bệnh gout
Một số món ăn có khả năng điều trị bệnh gout, giúp cho cơn đau gout giảm bớt:
- Canh đậu phụ rau kim châm
- Canh phổ tai nấu trứng
- Cà tím hấp tỏi
- Canh cá rô đồng rau cải xanh
- Canh cải thảo bí đao
- Canh cà chua bí đao
- Mướp xào
- Cháo đậu đỏ tim sen
- Giá xào củ sen, hạt sen
- Cháo hạt dẻ
- Cà rốt nấu củ năng
- Thịt hầm củ cải...
Những việc nên làm khi bị gout
Ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống, bệnh nhân gout cũng nên thay đổi một số lối sống để bệnh tình giảm bớt:
- Giảm cân: Việc cân nặng dư thừa có thể dẫn đến kháng insulin. Trong trường hợp này, cơ thể không thể sử dụng insulin đúng cách để loại bỏ đường khỏi máu, kháng insulin cũng thúc đẩy nồng độ axit uric cao. Do đó, giảm cân có thể làm giảm kháng insulin và giảm nồng độ axit uric. Tuy nhiên, bạn nên theo đuổi chế độ giảm cân lành mạnh, không nên ép cân nhanh chóng hoặc giảm cân bừa bãi.
- Tập thể dục nhiều hơn: Tập thể dục không chỉ có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý mà còn có thể giữ cho nồng độ axit uric ở mức thấp. Một nghiên cứu trên 228 người đàn ông cho thấy những người thường xuyên chạy bộ có nguy cơ mắc bệnh gout thấp hơn 50%.
- Uống đủ nước: Uống đủ nước cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gout vì nó sẽ giúp cơ thể loại bỏ axit uric dư thừa trong máu, thải nó ra ngoài theo đường nước tiểu.
- Hạn chế uống rượu: Rượu là nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn đau gout. Việc uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout từ 36-51%.
- Bổ sung vitamin C: Nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin C có thể giúp ngăn ngừa các cuộc tấn công của bệnh gút bằng cách giảm nồng độ axit uric. Vitamin C giúp thận loại bỏ axit uric hiệu quả hơn.
Nguồn tham khảo: Best Diet for Gout: What to Eat, What to Avoid - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 26/9/2017. |