Cơm đâu chỉ làm đầy bao tử!

Ngày 28/07/2014 09:08 AM (GMT+7)

Tờ báo hàng đầu ở Mỹ là The New York Times đã có nhiều bài tôn vinh vài trò của cơm đối với sức khỏe. Theo tờ báo này, gạo, cơm là một nguồn quan trọng nhất hiện diện trên trái đất để cung cấp carbohydrate phức hợp.

Có lần điện thoại cà kê với anh bạn chí cốt ở quê nhà thì nghe anh ta than ngắn thở dài: “Ối dào, thời buổi bây giờ kiếm 2 bữa cơm mỗi ngày thật khó!”. Tôi vô cùng ngạc nhiên về lời than thở ấy, hỏi lại: “Nghe nói mấy anh dạo này ăn nên làm ra lắm mà?”. Anh bạn chẳng giấu giếm: “Thì đó, nên cứ... nhậu không hà, đâu có ăn cơm. Kiếm 2 bữa cơm khó là vậy!”. Hóa ra là như thế.

Giúp giảm cân, giảm huyết áp

Thì ra anh bạn tôi đã quên (hoặc cố tình quên) bài học về vai trò của gạo cơm đối với sức khỏe con người. Trước đây, người ta phân chia rất rõ rệt. Hễ Tây thì ăn bánh mì, khoai tây; còn hễ là dân châu Á thì cứ độc một món cơm gạo. Bây giờ thì ranh giới ấy không còn nữa. Vào các siêu thị Úc hoặc các siêu thị châu Á ở Úc thì sẽ thấy mấy chàng mắt xanh mũi lõ đi mua gạo dập dìu. Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), gạo nuôi sống hơn một nửa số dân trên thế giới. Trước đây, người ta cứ nghĩ rằng cơm chỉ có giá trị làm đầy bao tử, thật sự thì cơm còn mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.

Trong kinh Phạn (Sanskrit) cách đây 3.000 năm đã mô tả các thầy thuốc Ấn Độ dùng dịch nước cơm đang sôi để điều trị chứng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Các bà mẹ khắp nơi trên thế giới cũng đã biết dùng nước cơm đang sôi để điều trị tiêu chảy cho con em họ mỗi khi có đại dịch xảy ra. Hiện nay, các chuyên gia sức khỏe cũng đã đề nghị một công thức để tái tạo nước cho trẻ em khi bị tiêu chảy mất nước. Đó là dùng 2 nắm gạo nấu sôi, lấy nước hòa với một lít nước sôi để nguội rồi bỏ thêm vào một muỗng muối ăn.

Cơm đâu chỉ làm đầy bao tử! - 1

Những carbohydrate phức hợp hay tinh bột được tìm thấy nhiều trong lúa, gạo, ngô, khoai tây, đậu... (Ảnh: Tấn Thạnh)

Đối với các dân tộc châu Á, gạo là nguồn dinh dưỡng “số 1”. Giá trị chữa bệnh của gạo bắt đầu được chú ý vào những năm 1940 và cao điểm là sau các nghiên cứu của BS William Kemper tại Đại học Duke (Mỹ). Theo nghiên cứu của BS Kemper, những người dùng gạo làm thức ăn chính ở Mỹ không những được giảm cân mà huyết áp cũng giảm xuống một cách đáng kể. Gần đây, những người béo phì đến ĐH Duke để giảm cân với chế độ dinh dưỡng chính là gạo lại phát hiện thêm rằng gạo còn có khả năng trị chốc lở.

Có tính kháng ung thư

Tại Nhật Bản, nơi gạo là nguồn thực phẩm chính, các nhà nghiên cứu nhận thấy gạo nấu chín còn có khả năng ngăn ngừa sạn thận. Điều này được lý giải là do cơm ngăn cản sự hấp thu lượng canxi không mong muốn đi vào ruột. Nhờ đó, lượng canxi không mong đợi này sẽ không có cơ hội đi vào đường tiểu để tạo nên sạn thận. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cũng đã tìm thấy trong cơm một hợp chất kháng ôxy hóa cao có tính kháng ung thư gọi là chất ức chế protease. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng nguy cơ mắc các bệnh ung thư ruột, ung thư ngực, ung thư tiền liệt tuyến... ở những người ăn nhiều cơm có tỉ lệ thấp.

Cũng như xăng vốn có nhiều loại, cơ thể chúng ta cũng cần nhiều loại nhiên liệu khác nhau. Có 2 loại nhiên liệu mà cơ thể chúng ta cần được “mệnh danh” là carbohydrate. Trong thiên nhiên, những loại carbohydrate đơn giản như fructose, sucrose, glucose vốn có rất nhiều trong rau cải và trái cây. Còn những carbohydrate phức hợp hay tinh bột thì được tìm thấy nhiều trong lúa, gạo, ngô, khoai tây, đậu… Tất cả các loại carbohydrateđều cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, carbohydrate phức hợp hoặc tinh bột có trong gạo còn chứa thêm những chất dinh dưỡng quan trọng khác như protein, chất béo thiết yếu, vitamin, khoáng vi lượng, chất xơ.

Tờ báo hàng đầu ở Mỹ là The New York Times đã có nhiều bài tôn vinh vài trò của cơm đối với sức khỏe. Theo tờ báo này, gạo, cơm là một nguồn quan trọng nhất hiện diện trên trái đất để cung cấp carbohydrate phức hợp.

Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường (Người Lao Động)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết ăn ngon, ăn chuẩn