Con co giật 2 lần kèm nôn mẹ mới đưa đến viện, bác sĩ cảnh báo điều vô cùng nguy hiểm hay bị ngó lơ

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 30/11/2022 09:21 AM (GMT+7)

Trẻ co giật không chỉ có nguyên nhân là do sốt mà có thể do có các tổn thương hoặc nhiễm trùng thần kinh, bởi vậy phụ huynh tuyệt đối không chủ quan.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhi gần 7 tuổi nhập viện sau cơn co giật, trợn mắt, co quắp tay chân, mất ý thức trong cơn co giật (mẹ gọi không đáp ứng lại)…

Tại bệnh viện, bác sĩ nhi khoa sau khi thăm khám và khai thác từ người mẹ thì được biết, bệnh nhi bị co giật 2 lần trước khi vào viện. Trong lần co giật đầu tiên, mẹ cháu bé mua thuốc bổ não, hạ sốt, kháng sinh về cho con uống. Tuy nhiên, sau đó trẻ nôn 2 lần, ngủ nhiều, đến khi co giật lần 2 mới được đưa vào viện.

Khi nghe người mẹ chia sẻ như vậy, bác sĩ cho biết việc làm này là không nên, bởi trẻ co giật có nhiều nguyên nhân, cần sơ cứu và đưa ngay trẻ vào viện. Với trường hợp này, người mẹ đã nhầm lẫn khi cho rằng con bị co giật là do sốt cao, nên nghĩ không sao, hạ sốt sẽ khỏi. Đây cũng là sai lầm rất nhiều gia đình gặp phải. Theo bác sĩ, việc sốt cao co giật không sai nhưng trẻ co giật còn có nguyên nhân khác đó là có tổn thương hoặc có thể bị nhiễm trùng thần kinh.

Không chỉ có sốt mới khiến trẻ co giật, còn nhiều nguyên nhân khác nên phụ huynh cần đưa trẻ đến viện càng sớm càng tốt. (Ảnh minh họa)

Không chỉ có sốt mới khiến trẻ co giật, còn nhiều nguyên nhân khác nên phụ huynh cần đưa trẻ đến viện càng sớm càng tốt. (Ảnh minh họa)

Sau khi thăm khám kỹ lưỡng phát hiện cổ trẻ bị cứng, kèm theo ngủ nhiều, li bì nên các bác sĩ chỉ định chụp CT sọ não vì nghi bị viêm não-màng não, đồng thời cho chọc dịch não tủy. Tuy nhiên, người mẹ không đồng ý và nhất quyết đưa cháu đi bệnh viện tư điều trị, dù bác sĩ đã giải thích mọi nguy cơ.

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết nếu trẻ co giật, việc đầu tiên phải sơ cứu cho con an toàn, sau đó đưa con đến viện. Trường hợp trẻ co giật kèm theo sốt, cần hạ sốt đường hậu môn theo liều 15mg/kg/lần và cách 4-6 giờ nếu sốt lại.

Với trường hợp trẻ nghi ngờ viêm não, màng não cần được nhập viện điều trị ngay vì bệnh tiến triển nhanh, dễ để lại di chứng thần kinh như giảm thính lực, tăng áp lực nội sọ hoặc giãn não thất.

PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết sơ cứu trẻ co giật cần nhớ 3 nguyên tắc cơ bản.

PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết sơ cứu trẻ co giật cần nhớ 3 nguyên tắc cơ bản.

Cách sơ cứu trẻ bị co giật được bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn như sau:

Trước hết, cần bình tĩnh, nhanh chóng đặt trẻ nằm ở nơi bằng phẳng an toàn, tránh trẻ bị ngã trong lúc co giật.

- Bước 1: Cha mẹ bế trẻ nằm nghiêng (không được gập đầu trẻ vì không thở được) để khơi thông đường thở do khi bị co giật, trẻ không nuốt được, đờm dãi rất dễ gây ngạt đường thở, đặc biệt nếu rơi vào phổi có thể gây tắc thở nguy hiểm. Vừa để trẻ nằm nghiêng, vừa nới rộng quần áo cho trẻ. Người lớn không nên vây quanh trẻ để trẻ có không khí thở, chú ý mở phòng thoáng mát.

- Bước 2: Cha mẹ tuyệt đối không nhét ngón tay, đũa vào miệng trẻ khi trẻ đang lên cơn co giật, việc này có thể làm ảnh hưởng đến răng, xương hàm của trẻ. Đồng thời không cho trẻ ăn, uống bất cứ thứ gì trong thời điểm này vì có thể gây tắc nghẽn đường thở.

Sau lần co giật thứ nhất, đợi hết cơn, cha mẹ có thể cho khăn mỏng vào giữa 2 hàm răng của trẻ để tránh cơn sau rồi đưa trẻ đến bệnh viện. Tuyệt đối không cố giữ chân giữ tay trẻ vì có thể gây chấn thương cơ xương khớp của trẻ.

- Bước 3: Sau khi hết co giật, nếu trẻ sốt nên hạ sốt cho trẻ bằng đường uống hoặc đặt hậu môn. An toàn nhất là dùng paracetamol với liều 15mg/kg cân nặng. Khi dùng paracetamol, tuyệt đối không cho trẻ dùng xen kẽ với các loại thuốc hạ sốt khác.

Với thuốc nhét hậu môn, lưu ý là liều cố định, không được bẻ hay nhét 2-3 viên cùng lúc. Tuỳ vào trọng lượng cơ thể của trẻ, bác sĩ sẽ kê liều phù hợp do khả năng bị ngộ độc thuốc qua đường đặt cao hơn đường uống nhiều.

Ngoài ra, để hạ sốt, cha mẹ nên dùng khăn ấm lau toàn thân cho trẻ, đặc biệt lau nhiều ở trán, 2 hốc nách và bẹn, thay khăn 2-3 phút/lần để trẻ hạ nhiệt. Không nên dùng các biện pháp vật lý như chườm lạnh, bôi dầu, dán miếng hạ sốt, không cho trẻ uống thuốc động kinh…

Trẻ sốt cao co giật có nên cho uống nước chanh, cắn tay? Một việc BS khuyên làm cha mẹ nào nghe xong cũng ồ à
Có rất nhiều mẹo, lời truyền tai khi trẻ bị co giật do sốt được chia sẻ như cho trẻ cắn tay, nhỏ nước chanh vào miệng… Điều này liệu có tác dụng? Bác...

Tư vấn sức khỏe trẻ em

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh