Trong cuộc sống hiện nay, công việc vừa áp lực mức lương lại thấp, nhiều người hình thành thói quen tiết kiệm. Tuy nhiên tiết kiệm không đúng cách, cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ chuyên Khoa thận Hồng Vĩnh Tường chia sẻ với Ettoday, bác sĩ từng gặp một bà mẹ hơn 30 tuổi đưa cô con gái 10 tuổi đi khám bệnh. Theo chia sẻ được biết, cô bé đang học lớp 4 bị viêm da cơ địa từ nhỏ, nhưng sau khi vào cấp 1 thì tình trạng viêm da cơ địa không còn tái phát.
Tuy nhiên, sau một lần bị sốt do nhiễm trùng đường tiết niệu cách đây một năm, bác sĩ khuyên cô bé nên uống nhiều nước nhưng không ngờ lại là khởi đầu của con ác mộng. Tình trạng viêm da của cô bé lại tái phát, khiến người mẹ băn khoăn có phải uống nước cũng khiến tái phát viêm da cơ địa?
Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường
Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường sau khi nghe nỗi băn khoăn của người mẹ đã nhờ cô mang nước và chai nước của con gái trong lần khám lần sau. Một tuần sau, cô bé bước vào phòng khám với làn da mỏng bị trầy xước do viêm da dị ứng. Sau đó, bác sĩ phát hiện cô bé xách chai nước nhựa PET dùng đựng nước cả năm trời, người mẹ cũng mua dây đeo cho con gái xách. Ngay khi nhìn thấy, bác sĩ liền lắc đầu.
Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường giải thích rằng chai nhựa mà cô bé sử dụng là loại nhựa không nên tái sử dụng và chỉ nên dùng một lần. Nếu cố tình tái sử dụng nhiều lần có thể thôi nhiễm kim loại vào nước vì chúng chứa chất làm dẻo và kim loại nặng "antimon", có thể hòa tan trong nước. Nếu trẻ em uống phải nước có chứa kim loại nặng và chất làm dẻo này trong thời gian dài không những có thể bị viêm da dị ứng, hen suyễn mà còn có thể gây dậy thì sớm.
Người mẹ nghe xong liền giật mình nói: "Thảo nào, con gái tôi mới 10 tuổi đã có kinh nguyệt". Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường nói với người mẹ rằng nên mua chai nước làm từ chất liệu an toàn, có thể tái sử dụng sẽ tốt hơn và tránh khiến con gái bị tái phát bệnh.
7 ký hiệu dưới đáy chai nhựa: Cần biết để tránh nhiễm độc, bảo vệ sức khỏe
Số 1 – PET hay còn gọi là PETE
Nhựa PET (viết tắt của polyethylene terephthalate) là một trong số những loại nhựa được sử dụng phổ biến cho các sản phẩm gia dụng, ví dụ như chai nước khoáng, nước ngọt, bia và bao bì đóng gói.
Đây là kí hiệu chỉ loại nhựa chỉ sử dụng duy nhất một lần, nên nếu dùng đi dùng lại có thể gia tăng nguy cơ làm hòa tan các kim loại nặng và hóa chất cấu tạo nên chúng. Các chất này làm ảnh hưởng đến sự cân bằng hóc-môn trong cơ thể.
Nhựa PET rất khó để làm sạch, mức độ tái chế của chúng cũng rất thấp (chỉ khoảng 20%) vì vậy tốt nhất là dùng xong hãy vứt chúng đi ngay.
Số 2 – HDP hay HDPE
HDP (high density polyethylene, tức là nhựa nhiệt dẻo mật độ cao) là loại nhựa dùng để chế tạo các bình nhựa cứng như bình đựng sữa, bình đựng chất tẩy rửa, dầu ăn, đồ chơi và một số túi nhựa.
Loại nhựa này không thải ra chất độc hại nào vì thế, các chuyên gia thường khuyên lựa chọn các loại chai HDP khi mua hàng bởi chúng được coi là an toàn nhất trong tất cả.
Số 3 – PVC hay 3V
PVC là loại nhựa mềm và dẻo được sử dụng để sản xuất bao bì thực phẩm trong suốt, chai đựng dầu ăn, đồ chơi và rất nhiều sản phẩm khác. PVC khá phổ biến nhưng chúng có chứa 2 loại hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến hóc-môn cơ thể. Chất này có thể giải phóng chất độc khi ở nhiệt độ cao, nên chỉ được phép đựng thực phẩm hoặc đồ uống dưới 81 độ C.
Số 4 – LDPE
LDPE là chất nhựa nhiệt dẻo mật độ thấp khá phổ biến trong các hộp mì, hộp đồ đông lạnh, túi đựng hàng và vỏ bánh. Sản phẩm chứa chất này sẽ không thể làm nóng trong lò vi sóng, tránh nhiệt độ cao vì sẽ giải phóng hóa chất.
Số 5 – PP
PP (polypropylene) là loại nhựa màu trắng hoặc gần như trong suốt, dùng để làm cốc đựng sữa chua, si-rô, hoặc cốc cà phê. Chất này bền và nhẹ, chịu được ở nhiệt độ 167 độ C nên có thể tái sử dụng, quay trong lò vi sóng. PP cũng chống được ẩm và chất nhờn rất tốt.
Số 6 – PS
PS, hay polystyrene, là loại nhựa rẻ và nhẹ có thể tìm thấy trên vỏ một số hộp đựng đồ ăn nhanh, cốc uống nước, hộp đựng trứng và dao đĩa thìa picnic. Dù chúng có khả năng chịu nhiệt và lạnh đáng kể, nhưng ở nhiệt độ cao như lò vi sóng chúng có thể giải phóng chất độc hại. Ngoài ra, cũng không được dùng đựng đồ có chất acid mạnh, chất kiềm mạnh. Chính vì thế, loại nhựa này không được phép dùng để đựng đồ ăn thức uống lâu dài.
Số 7 – PC hoặc không có kí hiệu
Loại nhựa này có thể dùng để đựng thùng hoặc can nước dung tích 3 – 5 lít và một số sản phẩm đựng thức ăn. Là loại nhựa nguy hiểm nhất, dễ dàng sinh ra chất gây ung thư, vô sinh BPA.