Khi chơi một mình không có sự giám sát của người lớn, cháu bé 2 tuổi đã nhặt chai nước ở vệ đường uống và phải nhập viện cấp cứu ngay sau đó vì ngộ độc.
Liên tiếp trẻ nhập viện vì uống nhầm hóa chất
Trong thời gian gần đây, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhi Trung ương) liên tiếp tiếp nhận các bệnh nhi nhập viện do uống nhầm phải hóa chất độc hại. Thậm chí, có trường hợp nặng còn bị xuất huyết đường tiêu hóa.
Điển hình như trường hợp của cháu L.B.V. (2 tuổi, ở Cao Bằng), trong khi chơi một mình, không có sự giám sát của phụ huynh, cháu V. đã nhặt một chai nước ở ngoài đường để uống.
Khi gia đình phát hiện, nghi chất lỏng trong chai là hóa chất nên vội đưa bé đến cơ sở y tế địa phương để sơ cứu, rồi chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương.
BS Lê Ngọc Duy – Phó trưởng khoa Cấp cứu – Chống độc, cho hay, khi nhập viện cháu bé ở trong tình trạng khó thở, ho, suy hô hấp, nôn nhiều, đau bụng. Thăm khám và xét nghiệm phát hiện cháu bị chảy máu đường tiêu hóa. Sau khi được điều trị, tình trạng trẻ tạm thời ổn định, nhưng vẫn cần phải theo dõi thêm.
BS Duy cho biết, đến nay vẫn không xác định được trẻ uống phải hóa chất gì do gia đình không lưu giữ lại chai nước trẻ uống phải, nghi ngờ là ngộ độc paraquat.
BS Duy đang sơ cứu cho một trẻ bị ngộ độc hóa chất. Ảnh: Khánh Chi.
Trường hợp đáng thương khác là cháu P.P.T (3 tuổi, ở Hà Nội) được gia đình đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng nôn, ho liên tục, miệng nồng nặc mùi dầu hỏa vì đã uống một lượng lớn dầu hỏa vào bụng và có dấu hiệu viêm phổi.
Theo người nhà bệnh nhi, trong lúc tự chơi một mình, không có người lớn giám sát, khi khát nước, cháu đã lấy một chai đựng chất lỏng ở bên cạnh để uống. Rất không may chai này lại chứa toàn dầu hỏa.
Ths Lê Ngọc Duy cho biết, việc trẻ uống phải dầu hỏa để lại hậu quả rất nặng nề, có thể gây tổn thương phổi, thậm chí là suy hô hấp chỉ vài ngày sau uống. Do vậy, việc phát hiện, sơ cứu đúng, kịp thời là vô cùng quan trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Sơ cứu trẻ uống nhầm hóa chất như thế nào?
Thông thường khi trẻ uống nhầm hóa chất như axít, xăng dầu, chất tẩy rửa… phụ huynh thường tìm cách gây nôn cho trẻ. Tuy nhiên, BS Duy cho rằng đây là việc làm hết sức sai lầm, bởi gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản.
Bởi vậy, BS Duy khuyến cáo, với mỗi loại uống nhầm thì có cách xử lý khác nhau.
Đối với trẻ uống nhầm xăng, axit, chất tẩy rửa, tuyệt đối không được gây nôn. Nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Trước khi đưa tới bệnh viện có thể cho nạn nhân uống vài ngụm nước nhỏ để tránh bỏng rát cổ họng. Phải uống từ từ, tránh bị sặc nước nếu không tình trạng càng nguy kịch hơn.
Còn trường hợp trẻ uống nhầm thuốc diệt cỏ, thì cần phải gây nôn càng sớm càng tốt. Cho nạn nhân uống nước và kích thích họng gây nôn.
Khi nôn nên đặt đầu nạn nhân thấp để tránh bị sặc vào phổi, đồng thời nằm nghiêng để tránh chất độc chảy vào khí quản gây tắc thở.
Sau đó cho nạn nhân uống than hoạt tính hoặc uống đất sét hấp thụ paraquat để giảm bớt độc tố và đưa trẻ đến ngay trung tâm chống độc của các bệnh viện.
Riêng đối với trường hợp, trẻ uống nhầm thuốc nếu nạn nhân còn tỉnh thì nhanh chóng gây nôn, đồng thời cho uống nhiều nước ấm rồi gây nôn để loại bỏ chất độc khỏi cơ thể. Trong trường hợp nạn nhân hôn mê, co giật thì không gây nôn mà gọi cấp cứu đưa nạn nhân đến ngay bệnh viện..
Cách phòng tránh tai nạn ở trẻ Tai nạn thương tích có thể phòng tránh được. Trong đó, vai trò của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ hết sức quan trọng: – Các bậc phụ huynh không nên để trẻ đến gần nững nơi nguy hiểm như bếp than, lò sưởi và các thiết bị điện. – Trẻ nhỏ thường hiếu động, thích leo trèo vì thế cầu thang phải có lan can, cửa sổ, ban công phải có rào chắn bảo vệ. – Không cho trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn như dao, kéo, mảnh kính vỡ…hoặc các vật nhỏ dễ gây hóc như: cúc áo, đồng xu, viên bi, đỗ, lạc.. – Các loại thuốc tẩy rửa, hóa chất, xăng dầu không nên đựng vào các chai uống nước mà phải để nơi xa tầm với, có nhãn mác rõ ràng. – Trẻ nhỏ khi ra đường phải có sự trợ giúp của người lớn, không để trẻ một mình ở bể bơi, ao, hồ, sông, suối… – Cần giáo dục cho trẻ lớn nhận thức và nhận biết các loại biển báo nguy hiểm (cấm lửa, cấm trèo…) và các biện pháp tự bảo vệ cho trẻ lớn như tập bơi, học kỹ năng thoát hiểm … – Trang bị kiến thức thực hành sơ cứu tai nạn thương tích cho cha mẹ và giáo viên tại trường học để có thể xử lý kịp thời nếu chẳng may xảy ra sự cố. |