COVID-19 ngày 14/8: Cuối năm 2021 sẽ có vắc xin COVID-19 "made in Vietnam"

HOÀNG DƯƠNG - Ngày 14/08/2020 09:50 AM (GMT+7)

Thành viên Hội đồng Khoa học (Bộ Y tế) cho biết, theo dự tính, cuối năm 2021, sẽ có vắcxin COVID-19 "made in Vietnam".

Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), chia sẻ, việc nghiên cứu thành công vắc xin phòng COVID-19 là thách thức với các nhà sản xuất.

Vừa qua VABIOTECH đã thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên động vật. Kết quả cho thấy kháng nguyên của vắc xin đáp ứng miễn dịch, đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, phòng được COVID-19 do vi rút SARS-CoV-2.

COVID-19 ngày 14/8: Cuối năm 2021 sẽ có vắc xin COVID-19 amp;#34;made in Vietnamamp;#34; - 1

Sau tiêm vắc-xin, hiện chuột thí nghiệm khoẻ mạnh và tiếp tục được theo dõi. Ảnh: BSCC.

Dựa trên các phát minh, mỗi quốc gia có lựa chọn riêng khi phát triển vắc xin. Ví dụ, Đại học Boston (Mỹ) chuyên nghiên cứu giá thể vi rút để làm vắc xin. Việt Nam cũng bám sát các phát minh của thế giới để áp dụng vào việc sản xuất vắc xin.

Thành viên Hội đồng Khoa học (Bộ Y tế) cho biết, theo dự tính, cuối năm 2021, việc điều chế vắc xin COVID-19 của Việt Nam được hoàn thành.

Thế giới có khoảng 163 ứng viên vắc xin COVID-19 đang được nghiên cứu phát triển. Những nỗ lực này chưa từng có tiền lệ về mặt quy mô, công nghệ và tốc độ.

Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi. Quy trình sản xuất tương tự vắc xin cúm A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm. IVAC đã chuẩn bị sản xuất những lô thử nghiệm đầu tiên.

Dự kiến, từ tháng 10 đến 12/2020, đơn vị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người và 2 giai đoạn tiếp theo vào đầu năm 2021, sau đó nâng cấp quy mô 30 triệu liều/năm. Tháng 4-2021, đơn vị sẽ nộp hồ sơ cấp phép.

Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sử dụng công nghệ vector baculovirus. Đơn vị này đã tiêm thử nghiệm trên chuột cho kết quả tốt. Đặc biệt, vắc xin có đáp ứng miễn dịch ở liều nhắc lại.

Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) áp dụng công nghệ tái tổ hợp, sử dụng vector vi rút sởi. POLYVAC đang chờ phê duyệt dự án nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức đấu thầu sinh phẩm.

Công nghệ mà Vabiotech sử dụng trong sản xuất vắc-xin phòng chống dịch bệnh là công nghệ vector virus thay vì các công nghệ vắc xin bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắc-xin đại dịch. 

“Nhờ nguồn kinh phí tài trợ, Công ty đã nâng cấp được hệ thống nuôi cấy tế bào Bioreactor vốn đã được trang bị gần 10 năm trước. Model thế hệ mới này thích ứng hơn với công nghệ vector virus mà chúng tôi đang dùng”, TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech, tiết lộ.

Cũng theo tác giả của nhiều nghiên cứu phát triển vắc-xin “made in Vietnam”, dự án của Vabiotech có thể tăng tốc còn do được “hưởng lợi” từ những kết quả của đề tài nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học của virus SARS-CoV-2 mà Viện VSDTTW đang triển khai. Đây cũng là một dự án cấp bách do Quỹ VinIF tài trợ ngay khi COVD-19 mới bùng phát. Nhờ các thông tin “giải mã” này mà dù nhiều nước đã “việt vị” trong dự đoán về dịch bệnh nguy hiểm bậc nhất đầu thế kỷ XXI, Việt Nam vẫn có thể làm chủ tình hình.

“Việt Nam đã xuất sắc khi trở thành một điểm sáng của thế giới về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Chúng tôi kỳ vọng vào những thắng lợi tiếp theo, trong đó có vắc-xin COVID-19 “made in Vietnam”, TS. Đỗ Tuấn Đạt đặt mục tiêu.  

Theo Diệu Thu (Dân Việt)

Chuyên gia nói gì về một số bệnh nhân xét nghiệm lần 3 mới phát hiện dương tính với SARS-CoV-2?

Tính đến tối 13/8, cả nước đã ghi nhận 905 ca mắc COVID- 19, trong đó có 20 ca tử vong và  421 ca được chữa khỏi. Đáng chú ý, trong những ca mắc trong cộng đồng hiện nay, có một số bệnh nhân xét nghiệm lần 3 mới phát hiện nhiễm bệnh làm không ít người tỏ ra lo lắng vì trước đó kết quả xét nghiệm PCR của họ cũng âm tính. 

Đơn cử như ca bệnh 812 là ca mắc COVID-19 thứ 7 ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) xét nghiệm PCR đến lần thứ 3 mới cho kết quả dương tính.

Về vấn đề này, BSCKII Vũ Thị Thu Hương - Khoa khám bệnh, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương (cơ sở 1) cho biết, xét nghiệm Real-Time PCR là xét nghiệm khẳng định một người có nhiễm COVID-19 hay không, mẫu bệnh phẩm được lấy từ vùng dịch hầu họng để tìm virus, độ nhạy và độ đặc hiệu cao. 

Kĩ thuật này phát hiện AND (ARN) của mầm bệnh hiện diện trong bệnh phẩm nhờ vào phản ứng chuỗi enzyme polymerase khuếch đại lên cả triệu lần trong thời gian ngắn. Nguyên lý hoạt động là dùng enzyme trùng hợp polymerase để nhanh chóng tạo ra một lượng lớn các bản sao từ một đoạn AND (ARN) chọn lọc.

Kết quả của xét nghiệm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là vào diễn biến bệnh, tức mẫu bệnh phẩm lấy vào giai đoạn nào của bệnh. Chẳng hạn, thời gian lấy mẫu là khi mới nhiễm virus, xét nghiệm PCR vẫn cho là âm tính. Hoặc lấy bệnh phẩm vào giai đoạn sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, xét nghiệm PCR cũng cho âm tính...

"Để đưa ra kết luận một bệnh nhân mắc COVID-19 cần phải làm xét nghiệm theo quy trình rất cẩn thận và nghiêm ngặt mới đưa ra kết quả cuối cùng có nhiễm virus SARS-CoV-2 không. Muốn khẳng định chắc chắn một người mắc COVID-19 cần có sự phối hợp giữa lâm sàng và xét nghiệm. Khi lâm sàng và xét nghiệm cho kết quả không hợp lý sẽ làm lại xét nghiệm và kết quả xét nghiệm có thể chạy lại vài lần để khẳng định chứ không phải chỉ làm duy nhất một lần. Trường hợp nghi ngờ cũng có thể xét nghiệm so sánh giữa các phòng xét nghiệm khác nhau để có được cho kết quả chính cuối cùng" – BS Hương cho hay.

COVID-19 ngày 14/8: Cuối năm 2021 sẽ có vắc xin COVID-19 amp;#34;made in Vietnamamp;#34; - 2

Chuyên gia nói gì về một số bệnh nhân xét nghiệm lần 3 mới phát hiện dương tính với SARS-CoV-2? - Ảnh 3.Kết quả xét nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố (ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, theo PGS TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình huống xét nghiệm PCR đến lần thứ 3 mới phát hiện mắc COVID- 19. Nếu bệnh nhân khi nhiễm COVID-19 nhưng virus chưa nhân lên đủ để cho kết quả dương tính, sau đó một thời gian mới xét nghiệm cho dương tính. Đây là lý do vì sao khuyến cáo người có nguy cơ nhiễm COVID-19 phải cách ly đủ 14 ngày.

Với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với nhiều ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đáng chú ý là ở Hà Nội đã có ca mới nhiễm trong cộng đồng không có liên quan đến Đà Nẵng, không rõ nguồn lây. Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo, thời điểm này người dân cần phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng tránh dịch bệnh. Ngay cả những trường hợp được chỉ định xét nghiệm PCR dù kết quả âm tính vẫn cần cách ly 14 ngày sau khi tiếp xúc gần với người bệnh, người nghi nhiễm.

Để tránh lây nhiễm trong cộng đồng, người dân cần tuân thủ nghiêm những biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm trong cộng đồng như: đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay đúng cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, tránh đi đến nơi đông người, tránh đến vùng dịch…

Những người đi từ vùng dịch về, có tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm cách ly theo khuyến cáo. Nếu có bất cứ triệu chứng nào cần các cơ sở y tế để thăm khám, sàng lọc và làm các xét nghiệm cần thiết xem có nhiễm COVID-19 hay không.

Theo P.Thuận – L.Nguyễn (Gia đình và Xã hội)

Ghi nhận ca mắc COVID-19 thứ 21 tử vong, nữ bệnh nhân 585 bị béo phì
Bộ Y tế vừa phát đi thông báo về ca mắc COVID-19 mới nhất tử vong, đó là bệnh nhân 585. Đây là trường hợp tử vong do COVID-19 thứ 21 tính từ khi dịch...
HOÀNG DƯƠNG (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19