Sở Y tế Hà Nội ngày 20/5 cho biết đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2019 là bệnh nhi 4 tuổi (ở xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ). Bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật…
Bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và hiện sức khoẻ đã tiến triển khả quan: giảm sốt, hết co giật.
Năm 2018, ca viêm não Nhật Bản đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện vào trung tuần tháng 6.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt.
Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25-35%). Từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản.
Ảnh minh họa
Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác.
Tuy nhiên, đến ngày thứ hai hay thứ ba của bệnh thì triệu chứng biểu hiện rõ dần như: sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp.
Viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1-2 ngày là trẻ tử vong.
Nguy hiểm hơn là bệnh để lại những di chứng thần kinh về sau. Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hiện tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản.