Tam thất là vị thuốc quý và được sử dụng lâu đời nhưng ít ai biết tường tận công dụng cụ thể của nó. Một số trường hợp không thích hợp dùng tam thất, nếu cố sử dụng còn gây nguy hiểm.
Tam thất tên thuốc là Radix Notoginsing, tên khoa học Panax pseudo-ginseng (Burk), thuộc họ ngũ gia bì (Araliaceae).
Thành phần hóa học tam thất có các axít amin và các nguyên tố Fe, Ca và đặc biệt là 2 chất saponin: arasaponin A, arasaponin B…
Hiện nay tam thất được dùng khá rộng rãi nhưng chủ yếu theo kinh nghiệm, truyền miệng. Giá tam thất cũng không hề rẻ, có thể lên tới vài triệu đồng/kg. Để đạt hiệu quả tốt nhất cũng như tránh các tác dụng phụ của tam thất, mời bạn tham khảo những thông tin dưới đây:
Củ tam thất được nhiều người mua dùng để bồi bổ. (Ảnh minh họa)
Tam thất có tác dụng gì?
Theo ghi chép từ cuốn "Bản thảo cương mục" của thần y Lý Thời Trân (Trung Quốc), tam thất là một loại dược liệu tương đối quý, bồi bổ máu rất tốt. Người xưa còn nhấn mạnh công dụng của tam thất với câu nói: "thứ nhất tam thất, thứ nhì nhân sâm".
Dưới góc độ Đông y, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, tam thất đứng đầu bảng trong số các vị thuốc. Loại củ này có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng hóa ứ, tư bổ, cầm máu, tiêu thũng, giảm đau.
Tam thất được dùng chữa tất cả các chứng xuất huyết, ngã đau sưng bầm tím, đau tức ngực, u bướu, huyết ứ, bế kinh, thống kinh, sản hậu huyết hư gây đau bụng, các loại mụn nhọt sưng đau, khí huyết lưỡng hư, tức ngực…
Theo một số tài liệu y học hiện đại, tam thất có tác dụng hưng phấn thần kinh, tăng thể lực và chống mệt mỏi. Tác dụng này tương tự nhân sâm, nhưng tam thất lại có cả khả năng ức chế trung khu thần kinh giúp trấn tĩnh và ngủ ngon.
Tam thất giúp lưu thông tuần hoàn máu, giảm lượng cholesterol trong máu, hạ đường huyết, kích thích hệ miễn dịch, ức chế vi khuẩn và virus, chống sưng nề, giảm đau.
Tam thất được dùng trong các trường hợp tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đau thắt ngực, đái tháo đường, các chấn thương sưng nề, đau nhức, viêm loét dạ dày-tá tràng.
Ngoài ra, tam thất còn được dùng điều trị hỗ trợ chống nhiễm khuẩn và làm chóng lành vết thương trước và sau phẫu thuật, dùng cho những người kém trí nhớ, ăn uống kém.
Gần đây, tam thất được dùng trong một số trường hợp ung thư (máu, phổi, vòm họng, tiền liệt tuyến, tử cung, vú) thu được kết quả khả quan.
Một số người pha thêm mật ong vào tam thất để giảm vị đắng và tăng tác dụng. (Ảnh minh họa)
Cách dùng tam thất sao cho đúng?
Tam thất thường được sử dụng dưới dạng bột, mỗi ngày 3-9g, mỗi lần uống từ 1-3g. Ngày uống 3 lần với nước ấm.
Rễ củ tam thất có tác dụng tán ứ, chỉ huyết, tiêu sưng, giảm đau, thường được dùng để chữa các loại chảy máu, nhất là chảy máu có ứ huyết như nôn ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, tiểu tiện ra máu, sưng đau do chấn thương, ngực bụng đau nhói.
Hoa tam thất có tác dụng thanh nhiệt, bình can, giáng áp, dùng trong các trường hợp tăng huyết áp, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, ù tai và viêm họng cấp. Hoa tam thất có thể sắc nước uống hoặc hãm như trà.
Các loại xuất huyết như ho ra máu, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu: Dùng độc vị tam thất bột hòa uống; cũng có thể phối hợp với hoa nhuỵ thạch và huyết dư thán để tăng cường tác dụng hoạt huyết cầm máu.
Sưng nề và ứ huyết do chấn thương: Thường dùng tam thất phối hợp với đương quy, tô mộc, xuyên khung, xích thược.
Xuất huyết đường tiêu hóa trên hay gặp trong xuất huyết dạ dày, viêm loét hành tá tràng chảy máu dùng độc vị tam thất bột mỗi lần uống 1,5g, ngày 3 lần với nước ấm.
Sau đẻ máu ra nhiều hoặc đi ngoài ra máu trong bệnh lỵ dùng tam thất bột 4g uống với nước cơm.
Ai nên dùng tam thất?
Tam thất tốt cho người có thể chất huyết ứ do dược liệu này có tác dụng tiêu huyết ứ, thúc đẩy lưu thông máu.
Huyết ứ có nghĩa là khí huyết lưu thông kém, khí trệ, chẳng hạn như máu chảy chậm, hoặc ứ đọng ở một số nơi. Tình trạng này có thể dẫn tới các bệnh như tắc nghẽn mạch máu não, tim mạch, giãn tĩnh mạch, như u xơ tử cung ở phụ nữ, u nang buồng trứng, phì đại tuyến vú…
Một số biểu hiện của người bị huyết ứ:
Có điểm ứ huyết ở đầu lưỡi và cạnh lưỡi
Suy giảm trí nhớ.
Luôn cảm thấy cổ họng khô rát.
Môi và hốc mắt xỉn màu, nước da xỉn màu, trên mặt dễ xuất hiện các chấm đen.
Da khô, trên bề mặt da nổi lên những vết máu đỏ hoặc xanh, đặc biệt dễ xuất hiện vết bầm tím khi chạm vào da.
Có những nốt đau cố định trên cơ thể, đau dữ dội vào ban đêm và nhẹ hơn vào ban ngày.
Phụ nữ bị ứ huyết, rối loạn kinh nguyệt có thể sử dụng tam thất theo chỉ định của thầy thuốc. (Ảnh minh họa)
Những trường hợp tuyệt đối không dùng tam thất
Phụ nữ có thai
Bột tam thất có tác dụng thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu và giảm huyết áp nên phụ nữ có thai uống bột tam thất dễ bị động thai, thậm chí dẫn đến sảy thai.
Phụ nữ trong thời kỳ hành kinh
Bột tam thất có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thông máu và loại bỏ huyết ứ, nếu uống trong thời kỳ kinh nguyệt sẽ dễ gây ra máu nhiều. Tuy nhiên đối với người bị rối loạn kinh nguyệt thể huyết ứ thì có thể dùng bột tam thất để điều hòa kinh nguyệt.
Người bị cảm mạo
Do bột tam thất có tính ấm nên nếu người bị phong nhiệt dùng bột tam thất sẽ dễ dẫn đến chứng cảm mạo phong nhiệt.
Người mẫn cảm với bột tam thất
Trước khi dùng bột tam thất, chúng ta cần hiểu rõ cơ thể mình xem có bị dị ứng không. Sau khi dùng nếu có biểu hiện dị ứng phải ngừng ngay.
Trẻ vị thành niên
Bột tam thất có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thông máu và loại bỏ huyết ứ nên trẻ em đang trong thời kỳ phát triển, các chức năng tạng phủ chưa mạnh, nếu sử dụng bột tam thất không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển.
Bột tam thất kỵ dùng chung với thứ gì?
Không nên dùng bột tam thất với đậu tằm, cá, hải sản và thức ăn cay, lạnh và chua, vì những thực phẩm này sẽ làm giảm đáng kể sự hấp thu của cơ thể đối với các thành phần của bột tam thất, đồng thời có thể gây dị ứng hoặc ngộ độc.