Bắt đầu chỉ với biểu hiện đau đầu rồi sốt cao, cô giáo mầm non sau đó bất ngờ bị suy hô hấp, liệt tứ chi vì mắc căn bệnh hiếm gặp, có nguy cơ tàn phế và tử vong cao.
TS.BS Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết bệnh viện mới điều trị thành công một bệnh nhân bị viêm thân não cấp - căn bệnh hiếm gặp, có tỷ lệ tử vong và tàn phế cao.
Bác sĩ Tình cho biết bệnh nhân là một cô giáo mầm non, năm nay 47 tuổi, quê gốc ở Hòa Bình và đang công tác tại xã đặc biệt khó khăn ở tỉnh Điện Biên. Ban đầu, bệnh nhân xuất hiện đau đầu rồi sốt cao, rất nhanh sau đó rơi vào tình trạng liệt tứ chi, suy hô hấp, phải đặt ống nội khí quản thở máy. Bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên về tuyến trung ương điều trị.
Khi tới Hà Nội điều trị, cô giáo này đã trong tình trạng liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp, sốt cao liên tục không thể kiểm soát bằng thuốc hạ sốt, chụp cộng hưởng từ có hình ảnh tổn thương hành não, đoạn đầu tủy cổ.
Sau khi thăm khám, làm xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán viêm thân não. Sau 2 tuần điều trị, dù đã kiểm soát được sốt nhưng bệnh nhân vẫn liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp phải thở hoàn toàn theo máy, gần như bất động hoàn toàn từ cổ trở xuống.
Nữ bệnh nhân hồi phục là nhờ vào nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ tối đa từ các bác sĩ.
“Nếu tình trạng liệt kéo dài, bệnh nhân sẽ đối diện với nguy cơ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề. Đặc biệt là nguy cơ xẹp phổi do tắc đờm, nhiễm khuẩn phổi, loét vùng tỳ đè do nằm bất động kéo dài, suy kiệt, teo cơ, cứng khớp...”, bác sĩ Tình chia sẻ.
Tiên lượng bệnh nhân sẽ phải thở máy dài ngày, thậm chí phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Bệnh nhân được hội chẩn để chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình điều trị tiếp. Tại đây sau hơn 2 tháng điều trị, với sự nỗ lực của các bác sĩ và chính người bệnh, nữ giáo viên này đã cai được máy thở, rút được ống mở khí quản, tỉnh táo hoàn toàn, có thể nói chuyện bình thường, ăn uống được, chân tay vận động tốt lên từng ngày, không bị loét do tỳ đè. Hiện tại, bệnh nhân đang tập đi đứng trở lại và được xuất viện.
Bác sĩ Hoàng Công Tình cho biết viêm thân não cấp là một thể của viêm não cấp. Thân não là vị trí thấp nhất của não bộ, tiếp giáp với tuỷ sống. Khi vùng thân não bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận động và cảm giác từ vùng cổ trở xuống. Nguy hiểm nhất là tình trạng liệt cơ hô hấp gây ngừng thở, phụ thuộc máy thở; liệt tứ chi gây loét do tỳ đè, gây teo cơ-cứng khớp.
“Với các biện pháp hỗ trợ điều trị hiện đại như: thở máy, thay huyết tương, hạ thân nhiệt chỉ huy, nội soi phế quản ống mềm, chăm sóc phòng ngừa loét, phục hồi chức năng vận động-hô hấp như hiện nay đã giúp làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh lý này gây nên”, bác sĩ Tình chia sẻ.
Cứu sống bé gái Phú Thọ chưa chào đời đã đã bị thủng ruột, dịch đầy ổ bụng
Ths.BS. Nguyễn Thanh Sơn - Phó trưởng khoa Ngoại nhi tổng hợp (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ) vừa cho biết, các bác sĩ vừa mổ cấp cứu cho một thai phụ và cứu sống cháu bé bị thủng ruột từ trong bụng mẹ. Trước đó trong quá trình mang thai, thai phụ phát hiện bất thường ở đường tiêu hóa và theo dõi thai nhi rất cẩn thận.
Cuối tháng 12, khi có dấu hiệu chuyển dạ, thai phụ được chuyển đến BV Sản Nhi Phú Thọ cấp cứu và được chỉ định mổ bắt thai ngay lập tức. Ngay sau mổ, trẻ tím tái, không khóc, tim chậm, bụng chướng căng. Các bác sĩ sơ sinh đã cấp cứu ngừng tuần hoàn kịp thời, sau đó chuyển trẻ đến khoa Sơ sinh để tiếp tục điều trị, đồng thời mời bác sĩ ngoại khoa hội chẩn.
Hiện bé gái đã ổn đinh và tiếp tục được chăm sóc tại bệnh viện.
Trẻ được chẩn đoán tắc ruột sơ sinh trên bệnh nhân suy hô hấp, viêm phúc mạc thời kỳ bào thai. Ca mổ kéo dài 3,5 giờ, vừa hồi sức vừa mổ kèm theo truyền máu. Trong trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện, trong mổ ổ bụng trẻ có nhiều dịch tiêu hoá, tất cả các quai ruột dính bết thành khối, việc gỡ dính rất khó khăn. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật gỡ dính toàn bộ quai ruột, cắt đoạn ruột hoại tử, khâu nối đoạn ruột tận - tận, rửa ổ bụng dưới.
Bác sĩ Thanh Sơn cho biết, đây là 1 ca phẫu thuật rất khó vì bệnh nhi bị thủng ruột ở trong bào thai, dẫn đến các quai ruột dính kết thành 1 khối. Hiện tại, sau phẫu thuật 7 ngày, tình trạng sức khỏe trẻ ổn định. Các bác sĩ cũng đã hướng dẫn người nhà cách chăm sóc đúng cho trẻ sau khi ra viện
Bệnh viêm phúc mạc bào thai là hậu quả của tai biến mạch máu ruột xảy ra trong thai kỳ làm hoại tử đoạn ruột. Phân su tràn ra ổ bụng gây viêm phúc mạc bào thai. Trước đây, với các trường hợp bị viêm phúc mạc bào thai, chỉ khoảng 1/35.000 trẻ sinh ra sống. Bác sĩ khuyến cáo các sản phụ nên khám thai định kỳ đúng các mốc quan trọng để được chẩn đoán phát hiện sớm bệnh, từ đó có hướng điều trị và xử lý kịp thời khi trẻ chào đời.