Đề kháng kháng sinh: càng hời hợt càng nguy hiểm!

Ngày 12/02/2020 10:00 AM (GMT+7)

Bé 4 tuổi chậm nói vì viêm tai giữa tái đi tái lại; bệnh nhân bị loạn khuẩn đường ruột, nghi ngờ do viêm đại tràng giả mạc. Các trường hợp đều do thói quen ngừng thuốc ngay khi thấy đỡ bệnh của người bệnh, dẫn đến đề kháng kháng sinh.

Đề kháng kháng sinh: càng hời hợt càng nguy hiểm! - 1

Bệnh nhẹ thành nặng vì đề kháng kháng sinh

Dù đã bước sang tuổi lên 4 nhưng bé M. vẫn chưa nói rành. Nóng ruột, mẹ đưa bé đi khám thì bất ngờ khi bác sĩ cho biết lý do bé chậm nói liên quan đến việc sử dụng kháng sinh trước đây. Bé M có lần bị viêm tai giữa, và được bác sĩ kê toa thuốc có kháng sinh. Uống được 3 ngày thấy con đã cắt sốt, không còn quấy khóc, dụi tai nên mẹ bé tự giảm dần liều thuốc, đến ngày thứ 5 thì ngưng hẳn do bé đã ăn ngủ ngoan lại bình thường.

Sau đợt đó, lâu lâu bé M lại bị viêm tai giữa, có khi còn nôn ói, rối loạn tiêu hóa. Nhưng do đã quen bệnh, nên mẹ bé cứ theo toa cũ. Khi cảm thấy không khá hơn thì mới đi bác sĩ. Lần nào mẹ cũng xót bé uống thuốc khó khăn, có khi nôn ói vật vã nên thường ngưng thuốc ngay khi bé thấy khá hơn. Chính vì điều trị không đúng lộ trình bác sĩ đưa ra, không sử dụng kháng sinh đúng liều lượng nên tình trạng viêm tai giữa của bé M cứ bị tái đi tái lại nhiều lần, làm ứ dịch trong tai giữa, gây ra tình trạng nghe kém, từ đó chậm nói.

Đề kháng kháng sinh: càng hời hợt càng nguy hiểm! - 2

Việc sử dụng kháng sinh cho trẻ em cần theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ

Ở một trường hợp khác, bệnh nhân đến gặp bác sị do bị đau bụng âm ỉ, kéo dài, kèm theo tình trạng rối loạn tiêu hóa. Khi thăm khám, bác sĩ phát hiện trước đó bệnh nhân bị viêm họng kéo dài gần cả một tháng. Trong thời gian này, bệnh nhân đã tự điều trị theo toa thuốc cũ có kháng sinh của bác sĩ đã kê trong lần bệnh trước. Do thấy toa thuốc có tác dụng nên sau khi đỡ bệnh thì bệnh nhân ngưng thuốc. Thế nên chỉ khoảng vài ngày sau thì bệnh lại tái phát. Bệnh nhân đến gặp bác sĩ thì lại được kê tiếp túc sử dụng kháng sinh. (Chia sẻ từ Bác sĩ Trần Thị Tố Uyên, trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM)

Hậu quả của việc dùng rồi lại ngừng, ngưng rồi lại tiếp tục “nạp” kháng sinh trong suốt một tháng khiến bệnh nhân gặp phải tình trạng loạn khuẩn đường ruột. Nghiêm trọng hơn, sau khi siêu âm, bác sĩ còn nghi ngờ bệnh nhân mắc phải viêm đại tràng giả mạc. Tình trạng này xảy ra do sử dụng kháng sinh quá nhiều gây mất đi những vi khuẩn có lợi trong cơ thể, bao gồm hệ vi khuẩn thường trú trong đường ruột. Việc giảm sút những vi khuẩn có lợi này gây ra tình trạng viêm đại tràng giả mạc.

Cả hai trường hợp kể trên đều khá phổ biến tại Việt Nam. Kháng sinh, thay vì có tác dụng “quét sạch” các vi khuẩn, thì nay lại không thể hoàn thành “sứ mệnh” của mình do bị sử dụng sai cách khiến bệnh nhẹ lại trở nặng thêm. Việc điều trị vì thế càng kéo dài và tốn kém hơn.

Đề kháng kháng sinh: càng hời hợt càng nguy hiểm! - 3

Nhiều người bệnh vẫn chưa sử dụng kháng sinh đúng cách, gây ra tình trạng đề kháng kháng sinh

Đừng hời hợt với đề kháng kháng sinh

Mặc dù đề kháng kháng sinh được xem là “mối đe dọa thảm khốc” của mỗi quốc gia, nhưng không phải người bệnh nào cũng nhận thức đầy đủ về thách thức toàn cầu này. Một khảo sát nhỏ thông qua phỏng vấn ngẫu nhiên mới đây về đề kháng kháng sinh đã cho thấy, trên thực tế, việc sử dụng lại thuốc kháng sinh cũ, toa thuốc trước đó, hay tự ý ngưng thuốc khi bệnh tình thuyên giảm đã là “chuyện thường ngày ở huyện” của không ít người dân.

Chưa kể, nhiều người cũng còn chưa hiểu rõ đề kháng kháng sinh là tình trạng vi khuẩn thay đổi các đặc tính làm cho kháng sinh không còn tác dụng giết chết vi khuẩn, sinh ra kháng thuốc. Việc sử dụng kháng sinh sai cách như dùng sai thuốc, tự ý giảm liều, hay lạm dụng thuốc thế hệ mới, là đang “tiếp tay” cho vi khuẩn “lì” hơn, khó trị hơn, sống dai hơn. Những vi khuẩn kháng thuốc này tiếp tục phát triển, nhân lên, phát tán và lây nhiễm những người khác khiến thuốc kháng sinh dần mất tác dụng, gây ra tình trạng đề kháng thuốc trong cộng đồng.

Do đó, người bệnh cần hiểu là không có lối tắt nào cho việc chữa trị với kháng sinh. Hãy sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, thông qua việc tuân thủ những nguyên tắc sau: không dùng kháng sinh khi mắc bệnh do virus như cúm, cảm lạnh; không dùng kháng sinh của người quen để lại; không để dành kháng sinh cho lần bị bệnh sau; không tự ý mua kháng sinh về dung; và dùng kháng sinh đủ liều theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc khi thấy dấu hiệu bệnh thuyên giảm.

Nguồn: [Tên nguồn].