Căn bệnh diễn viên Châu Hải My mắc phải hiện chưa có thuốc chữa, bệnh ảnh hưởng tới nhiều bộ phận trong cơ thể, dễ trở nặng vào mùa đông hoặc khi tiếp xúc với tia tử ngoại trong ánh nắng.
Mới đây thông tin diễn viên Châu Hải My qua đời khiến nhiều fan hâm mộ bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc, bởi nữ diễn viên này được mệnh danh là "Chu Chỉ Nhược xinh đẹp nhất" của điện ảnh Hồng Kông (Trung Quốc). Theo thông tin từ truyền thông, diễn viên Châu Hải My mắc bệnh lupus ban đỏ trong nhiều năm và mới đây được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Kinh vào sáng 11/12.
Trước đó, Châu Hải My có triệu chứng ho, khó thở, cô tự thở oxy tại nhà. Đêm trước khi được đưa đến bệnh viện, triệu chứng khó thở của Châu Hải My trở nặng. Khi tới bệnh viện, nữ diễn viên đã bất tỉnh, đồng tử giãn ra, kết mạc chảy máu, không có nhịp tim. Các bác sĩ chẩn đoán cô bị ngừng tim, bất tỉnh và ngừng hô hấp.
Nữ diễn viên Châu Hải My qua đời do mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, kèm tăng huyết áp.
Nói về căn bệnh diễn viên Châu Hải My mắc phải, ThS.BS Trần Thiên Tài, Trưởng Đơn vị Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, lupus ban đỏ hệ thống là một trong những bệnh tự miễn dịch hệ thống thường gặp nhất và gây tổn thương đến các cơ quan như khớp, da, thận, tế bào máu, tim, phổi, thần kinh… Bệnh thường gặp ở nữ giới, nhiều nhất ở độ tuổi sinh đẻ.
Theo bác sĩ Tài, đến nay căn nguyên bệnh lupus ban đỏ hệ thống vẫn còn nhiều vấn đề chưa được biết rõ, nhưng một số nghiên cứu đã gợi ý rằng các yếu tố di truyền, miễn dịch, hormone giới tính và môi trường là những yếu tố quan trọng trong cơ chế bệnh sinh lupus ban đỏ hệ thống.
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống có biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, ăn uống kém, sụt cân, ban đỏ cánh bướm ở mặt, da dễ nhạy cảm với ánh sáng, loét miệng, rụng tóc và đau các khớp.
Bên cạnh đó, bệnh lupus ban đỏ hệ thống có thể gây tổn thương ở các cơ quan nội tạng như ở thận với tình trạng viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận; ở phổi với tình tình trạng viêm phổi kẽ, xuất huyết phổi; ở hệ huyết học với tình trạng giảm tiểu cầu, giảm hồng cầu, giảm bạch cầu; ngoài ra khi bệnh gây tổn thương thanh mạc sẽ có đặc điểm là tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng ngoài tim…
Triệu chứng điển hình của bệnh là xuất hiện màu đỏ hình cánh bướm ở mặt. Ảnh minh họa.
Đáng nói, các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm. Do ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể nên triệu chứng của bệnh hết sức đa dạng và thường nặng lên vào các tháng mùa đông.
“Hiện nay, với sự phát triển của y học, đã có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu chứng minh vai trò của việc sử dụng các thuốc corticoide, thuốc ức chế miễn dịch, liệu pháp tế bào gốc… để điều trị lupus nhằm các mục đích hạn chế tử vong, duy trì chất lượng cuộc sống cho người bệnh”, bác sĩ Tài cho biết.
Dù lupus ban đỏ hệ thống không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng. Mục đích chính của điều trị là nhằm giảm thiểu triệu chứng và hạn chế các tổn thương nội tạng nặng.
Để tránh biến chứng nặng, người mắc bệnh cần có một cuộc sống lành mạnh, vận động thường xuyên, ít sang chấn tâm lý. Ngoài ra, tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời thường là nguyên nhân khởi phát hoặc làm nặng các đợt cấp của bệnh nên cần được tránh tiếp xúc tối đa. Việc ngừng đột ngột các thuốc, đặc biệt là thuốc corticosteroid cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến các đợt cấp của bệnh. Chính vì vậy, đối với bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống cần tuân thủ mọi nguyên tắc dùng thuốc và tái khám thường xuyên để kiểm soát bệnh chặt chẽ.
Khi người bệnh có yếu tố nguy cơ như phụ nữ trẻ, trong độ tuổi 16-40, có các triệu chứng kể trên cần đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng để được kiểm tra, tư vấn, chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp với bệnh và từng giai đoạn bệnh.