Sau khi một nhà khoa học Nga quyết định tiêm vi khuẩn có nguồn gốc từ 3,5 triệu năm trước vào cơ thể, một nữ diễn viên người Đức cũng đã tình nguyện tiêm loại vi khuẩn này với mong muốn trẻ hóa.
Con người từ xa xưa đã luôn có tham vọng tìm kiếm những thứ có thể giúp họ trường sinh bất lão. Theo truyền thuyết Trung Quốc từng tồn tại một quốc gia nơi mà người dân không ăn uống, họ dựa vào hơi thở để kiếm sống, nhiều nhất là họ ăn một ít đất. Khi chết, chỉ cần tim không ngừng đập, họ sẽ tái sinh trở lại sau 120 năm và tiếp tục sống. Điều đặc biệt là cơ thể họ không thối rữa trong thời gian ấy nhưng cái giá phải trả là họ sẽ không thể sinh con đẻ cái.
Tuy nhiên đây chỉ là lời đồn đại được nhiều người kể lại còn tính xác thực chưa rõ ràng. Dù vậy, có rất nhiều người vẫn tin và nuôi hy vọng về việc được trường sinh. Nhiều vị hoàng đế hay những vị vương công quý tộc châu Âu cũng vì muốn kéo dài tuổi thọ mà tìm tới những phương thuốc kỳ dị như dùng trinh nữ hay uống máu.
Trong xã hội hiện đại, dù con người có thể sống đến 80, 90 tuổi, thậm chí cả trăm tuổi nhưng vẫn có những người tham lam muốn sống mãi. Năm 2015, câu chuyện về một nhà khoa học liều lĩnh tiêm vào người loại vi khuẩn có nguồn gốc cổ đại để kiểm trả khả năng bất tử đã gây xôn xao.
Anatoli Brouchkov bên chân núi Mammoth Mountain, nơi tìm thấy khuẩn Bacillus F có nguồn gốc từ 3,5 triệu năm trước.
Anatoli Brouchkov, một nhà khoa học, nhà địa chất học làm việc tại Đại học Moscow State (Nga) đã tự tiêm vào cơ thể mình một chủng vị khuẩn 3,5 triệu tuổi chỉ để xem điều gì sẽ xảy ra, liệu nó có giúp trường thọ.
Loại vi khuẩn đó gọi là Bacillus F, được Brouchkov lấy ra từ một mẫu băng vĩnh cửu ở núi Mammoth, vùng Yakutsk phía bắc Siberia vào năm 2009. ADN của vi khuẩn này đã được nhóm các nhà nghiên cứu giải mã thành công. Cấu tạo của loài vi khuẩn không hề giống như các tế bào khác trong tự nhiên, Bacillus F không có dấu hiệu bị lão hóa và có thể là chìa khóa cho ước vọng trường sinh vĩnh cửu của con người.
Theo Brouchkov, Bacillus F có một cơ chế cho phép nó tồn tại rất lâu bên dưới lớp băng, và cơ chế này cũng có thể được sử dụng để kéo dài tuổi thọ của con người. Trong một thử nghiệm ở chuột, Brouchkov nhận thấy những con chuột cái già được tiêm Bacillus F đã bắt đầu xuất hiện khả năng sinh sản mặc dù trước đó khả năng này của chuột hầu như đã chấm dứt. Ruồi giấm cũng trải qua một "tác động tích cực" do tiếp xúc với vi khuẩn.
Vấn đề là, Brouchkov vẫn không biết chính xác cơ chế đó là gì. Vì thế, Brouchkov quyết định tiêm trực tiếp vi khuẩn vào cơ thể mình vào năm 2013. Ông cho rằng vi khuẩn Bacillus F có thể đã thoát ra môi trường ở Siberia, xâm nhập vào môi trường, nguồn nước. Người Yakut đã tiếp nhận vi khuẩn Bacillus F từ nguồn nước trong thời gian dài và họ có tuổi thọ cao hơn người dân ở quốc gia khác. "Vì thế, tôi cho rằng sẽ không có nguy hiểm nào xảy ra với tôi", Brouchkov chia sẻ.
Anatoli Brouchkov tự tiêm vi khuẩn vào cơ thể để xem liệu nó có giúp ông trường sinh bất lão.
Sau 2 năm, kết quả thí nghiệm khiến ông rất ngạc nhiên. "Tôi bắt đầu làm việc được lâu hơn và không bị cảm trong hai năm qua", Brouchkov trả lời Siberian Times. Tuy nhiên, Brouchkov thừa nhận việc ông không mắc bệnh không hoàn toàn do tiêm vi khuẩn. Nhà khoa học hy vọng vi khuẩn Bacillus F sẽ được nghiên cứu lâm sàng trong tương lai để kiểm tra hiệu quả của nó.
Ngoài Brouchkov, một nữ diễn viên người Đức cũng quyết định tiêm vi khuẩn có nguồn từ cả triệu năm trước vào cơ thể với mong muốn trẻ hóa. Năm 2017, nữ diễn viên 45 tuổi Manoush đã bơm chiết xuất Bacillus F vào máu của mình trong 3 tháng và nói rằng nó giúp cô trông trẻ hơn. Vì không có bác sĩ nào dám nhận làm điều này do vấn đề đạo đức nên Manoush đã tự tiêm hoặc đôi khi nhờ bạn bè.
Tiến sĩ Anatoli Brouchkov chính là người đã trao cho Manoush các mẫu có chiết xuất từ vi khuẩn nhưng chính ông cũng khuyên bà mẹ một con không nên tham gia vì lo sợ rủi ro. Được biết Manoush đã chi rất nhiều tiền để phẫu thuật thẩm mỹ trong suốt 20 năm để níu giữ thanh xuân, việc tiêm loại vi khuẩn này cũng chỉ là một trong những điều giúp cô đạt mục đích.
Nữ diễn viên người Đức luôn mong ước được trẻ mãi không già.
Manoush tham gia thử nghiệm tiêm vi khuẩn từ cổ đại vào cơ thể với mong muốn trẻ hóa.
Manoush cũng chia sẻ kết quả khả quan cô nhận được sau khi tiêm vi khuẩn. “Da của tôi mềm như da em bé. 'Bạn thực sự không thể nhìn thấy nó trong các bức ảnh nhưng nếu bạn nhìn thấy tôi trực tiếp, bạn có thể thấy da tôi không có tì vết", cô nói. "Tôi chưa bao giờ cảm thấy khỏe hơn, chưa bao giờ ngủ ngon hơn, sâu hơn hoặc lâu hơn. Khi tập thể dục, tôi có thể tập luyện lâu hơn."
Manoush cũng cho biết thông thường khi đến hè cô hay bị cảm vì thay đổi nhiệt độ nhưng lần này cô rất khỏe. Tuy nhiên cũng như tiến sĩ Brouchkov, cô không thể khẳng định chắc chắn là do tiêm vi khuẩn, dù vậy cô vẫn rất tin vào nó. "Liệu pháp này làm tôi trẻ ra 20 tuổi. Có thể nó không giúp tôi bất tử, nhưng sẽ giúp tôi xinh đẹp và trẻ trung bất kể tuổi tác", nữ diễn viên chia sẻ.
Cuộc sống hiện tại của hai con người liều lĩnh
Thời điểm hiện tại có vẻ như Manoush vẫn có sức khỏe khá tốt, cô vẫn tiếp tục sự nghiệp diễn xuất. Trong năm 2020, cô đã có 6 dự án phim nhưng đều bị hoãn lại do COVID-19. Manoush dường như vẫn chưa từ bỏ ý định chống lại lão hóa khi vẫn tiếp tục tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ để níu giữ thanh xuân.
Hiện tại, Manoush vẫn tiếp tục níu giữ thanh xuân bằng cách phẫu thuật thẩm mỹ.
Cô vẫn tiếp tục tiêm vi khuẩn vào người kể từ năm 2017.
Manoush cũng chia sẻ kể từ sau khi tiêm vào năm 2017, hiện cô vẫn đang tiếp tục tiêm thử nghiệm, tuy nhiên cô cũng không khẳng định liệu loại vi khuẩn này có khiến cô trẻ trung hơn không. “Còn quá sớm để nói rằng những thay đổi tích cực là do Bacillus gây nên. Chúng tôi sẽ phải chờ các thử nghiệm đưa ra bằng chứng chính xác nhất.”
Cũng từng có thông tin một năm sau khi tiêm, Manoush lại tìm đến tiến sĩ Bruschkov vì cơ thể cô có dấu hiệu lão hóa nhanh hơn trước. Không ngờ Bruschkov cũng vậy, sau khi kiểm tra thì phát hiện vi khuẩn Bacillus F không thể ở trong cơ thể người quá lâu, đồng thời nó cũng làm suy giảm tế bào nghiêm trọng và tăng tốc độ lão hóa. Tuy nhiên, thông tin này đến hiện tại vẫn chưa được xác thực.