Người phụ nữ “bất tử” đầu tiên trong lịch sử ngành y và sự thật đau lòng phía sau

Ngày 29/12/2019 09:36 AM (GMT+7)

Nền y học hiện đại ngày nay có thể phát triển đến như vậy không thể không nhắc đến công lao của Henrietta Lacks – người phụ nữ “bất tử” được tôn vinh là "mẹ đẻ" của nền y học hiện đại.

Sự ra đời của người phụ nữ “bất tử”

Henrietta Lacks sinh ngày 1/8/1920 là một người phụ nữ Mỹ gốc Phi, làm nghề trồng thuốc lá ở Roanoke, Virginia. Sau khi sinh người con thứ 5, cô phát hiện bản thân mắc phải căn bệnh ung thư cổ tử cung và được chữa trị tại Bệnh viện John Hopkins do nạn phân biệt chủng tộc trong khu vực nên chỉ có bệnh viện này nhận chữa trị cho người da đen. 

Người phụ nữ “bất tử” đầu tiên trong lịch sử ngành y và sự thật đau lòng phía sau - 1

Henrietta Lacks là người phụ nữ "bất tử" đầu tiên trong ngành y học. 

Sau một thời gian điều trị, Lacks đã qua đời vào ngày 4/1/1951. Tuy nhiên, cả Lack và gia đình đều không hề biết hai mẫu cổ tử cung của cô đã bị cắt bỏ - một phần khỏe mạnh và một phần ung thư.

Những tế bào này được truyền cho tiến sĩ George Otto Gey. Ông sau đó đã đã phát hiện ra khả năng đặc biệt của các tế bào này mà những tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm không thể làm được đó là khả năng sinh sôi và phát triển vô tận.

Các tế bào của Lacks - được gọi là HeLa, sử dụng hai chữ cái đầu tiên của mỗi tên của cô - đã trở thành dòng tế bào người bất tử đầu tiên trong lịch sử.

Ý nghĩa của các tế bào bất tử với nền y học

Trước khi có sự xuất hiện của các tế bào HeLa, các nhà khoa học tại Bệnh viện Johns Hopkins đã làm việc trong nhiều năm để cố gắng tạo ra một dòng tế bào sinh sản liên tục. Nhưng các tế bào luôn chết và chỉ có vòng đời rất ngắn.

Khi tế bào HeLa xuất hiện, các nhà nghiên cứu đã nhận ra khả năng đặc biệt của nó khi có thể liên tục tái tạo không ngừng và điều đó khiến nó trở thành tế bào “bất tử”. Các nhà khoa học đã phát triển khoảng 20 tấn tế bào HeLa và có gần 11.000 bằng sáng chế liên quan đến tế bào HeLa. Một nhà nghiên cứu đã ước tính rằng nếu bạn đặt tất cả các tế bào HeLa từ đầu đến cuối, chúng sẽ quấn quanh hành tinh ít nhất ba lần.

Người phụ nữ “bất tử” đầu tiên trong lịch sử ngành y và sự thật đau lòng phía sau - 2

Henrietta Lacks và chồng, David, năm 1945.

Ngay khi hiểu rằng tế bào HeLa sẽ không bao giờ ngừng sinh sản, các nhà khoa học nhận ra tất cả các nghiên cứu và thí nghiệm đều có thể được tiến hành. Các bác sĩ có thể tiến hành theo dõi, quan sát sự phân chia tế bào cũng như cách thức hoạt động của các virus trên tế bào ngay cả khi chúng ra khỏi cơ thể người.

Nếu như trước đây, việc nghiên cứu ung thư trên người sống được đánh giá là vô đạo đức thì hiện tại, các bác sĩ có thể thoải mái cho tế bào HeLa tiếp xúc với chất gây ung thư mà không vấp phải sự phản đối nào. Trong những năm kể từ năm 1951, các tế bào HeLa đã tiếp xúc với vô số các loại độc tố và nhiễm trùng, được đem thử nghiệm phóng xạ và các loại thuốc. Cùng từ đó, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kiến thức y khoa mới ra đời và giúp định hình cách thức hoạt động của nền y học trong nửa sau thế kỷ 20 và cả tương lai sau này.

Vắc-xin bại liệt, hóa trị, lập bản đồ gen, nghiên cứu AIDS, ung thư và phát triển thụ tinh trong ống nghiệm - tất cả các những điều này và nhiều thứ khác đều nhờ tế bào HeLa. Bởi vậy nên nhiều người ví Lacks như là mẹ đẻ của nền y học.

Sự thật đau đớn về gia đình của mẹ đẻ nền y học

Trong nhiều thập kỷ, các tế bào HeLa thường xuyên được sử dụng trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới và được ca ngợi là mấu chốt trong các phát kiến đột phá nhưng không một ai nghĩ tới công lao của người phụ nữ đã ra đi khi 31 tuổi này.

Người phụ nữ “bất tử” đầu tiên trong lịch sử ngành y và sự thật đau lòng phía sau - 3

Sau 37 năm âm thầm cống hiến cho ngành y nhờ tế bào của chính mình, Lacks mới được người đời tưởng nhớ và tôn vinh bà là "mẹ đẻ của ngành y".

37 năm sau cái chết của Lacks, một nữ sinh 16 tuổi Rebecca Skloot đã quyết tìm ra sự thật sau khi nghe giáo viên kể lại về ý nghĩa của tế bào HeLa trong quá trình nghiên cứu ung thư và tiết lộ rằng nó thuộc về người phụ nữ tên là Henrietta Lacks.

Và những gì Skloot phát hiện đã khiến cả thế giới phải bàng hoàng. Trong khi các tế bào của Lacks đang thay đổi bộ mặt của y học hiện đại, chồng và con của cô không hề biết gì về nó - bản thân họ cũng không có sự chăm sóc sức khỏe đầy đủ. "Điều mà hầu hết mọi người bị sốc nhất là các tế bào của Henrietta được lấy mà không có sự đồng ý của bà ấy", Skloot nói. "Nhưng đó là quy định ở Anh như ở Mỹ. Nếu bạn ký một mẫu chấp thuận chung trước khi phẫu thuật, bất kỳ tế bào mẫu nào bị loại bỏ có thể được sử dụng để nghiên cứu sau đó và các bác sĩ không cần phải cho bạn biết."

"Quan điểm chung của khoa học y tế là các tế bào được lấy từ một cá nhân và sử dụng cho nghiên cứu mang lại lợi ích chung nên sẽ không có vấn đề gì. Nhưng câu chuyện của Lacks cho thấy điều đó không đúng. Các tế bào được sử dụng để phát triển các phương pháp điều trị y tế - nhưng những phương pháp điều trị đó chỉ dành cho những người có thể mua bảo hiểm y tế và những gia đình nghèo khó như Lacks thì không thể. " Skloot chia sẻ.

Điều đáng nói nữa là các tế bào của Lacks thậm chí còn giúp một số công ty dược phẩm trở nên giàu có. Cụ thể hơn, các ngân hàng tế bào và các công ty công nghệ sinh học đã bán lẻ các lọ tế bào của cô - tỷ lệ hiện tại cho một ống HeLas là khoảng 260 USD (hơn 6 triệu). Nhưng không có một đồng lợi nhuận nào được trao cho con cháu của cô.

Người phụ nữ “bất tử” đầu tiên trong lịch sử ngành y và sự thật đau lòng phía sau - 4

Tấm bia mộ được dựng lên để tưởng nhớ tới bà.

Gia đình Lacks đã phải vật lộn trong cuộc sống không có mẹ. Mẹ mất, người cha không đủ sức nuôi 5 đứa con nên gần như buông xuôi, con gái của Lacks là Deborah bị người thân lạm dụng, con trai Joe thì vào tù. Một cô con gái khác mắc chứng động kinh được đưa vào bệnh viện nên đã qua đời.

Vào năm 2000, khi Skloot gặp được họ tất cả đều có sức khỏe kém. Chồng Lacks bị ung thư tuyến tiền liệt và phổi chứa đầy amiang. Con trai Sonny bị suy tim, Deborah bị viêm khớp, loãng xương, điếc, trầm cảm. Gia đình người phụ nữ xấu số không ai có bảo hiểm y tế và được chữa trị đúng cách.

"Trong khi tế bào HeLa được ứng dụng mọi lúc mọi nơi, không ai nghĩ rằng đằng sau nó là một người sống, một người phụ nữ có gia đình và con cái như bất cứ ai", Skloot nói.

Hiện tại Henrietta Lacks đang được chôn cất tại nghĩa trang ở Virginia với ngôi mộ không tên. Tuy nhiên sau khi những nghiên cứu của Skloot được công khai, bác sĩ Roland Pattillo của Trường Y khoa Morehouse ở Hoa Kỳ đã tặng một  tấm bia cho ngôi mộ của Lacks. Một tấm bia tưởng niệm đã được dựng lên dành cho người phụ nữ "chạm đến sự sống nhân loại".

Người phụ nữ được hôn nhiều nhất thế giới, cứu bao người nhưng mãi là bí ẩn của y học
Được mệnh danh là người phụ nữ được "hôn" nhiều nhất thế giới, nổi tiếng trong giới y học và cũng nhờ đó cứu mạng biết bao người nhưng cho đến nay vẫn...
Hoàng Dương (Dịch từ The Guardian, Lancet)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh khác