Chạy xe đạp là cách thức tuyệt vời để trẻ bước đầu tiếp xúc với các hoạt động thể chất, là thời gian hít thở không khí trong lành.
Ngoài ra, đây cũng là thời gian vui vẻ của cha mẹ và các em.
Tuổi nào là thích hợp?
Ai cũng biết, trẻ con thường thích khám phá những điều mới lạ, trong đó, được đi xe đạp cũng mang đến nhiều háo hức cho chúng. Thế nhưng, khi trẻ ở độ tuổi nào, bạn có thể hướng dẫn con đi xe đạp là phù hợp nhất, điều này có lẽ rất ít bậc cha mẹ biết được. Theo ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về sức khỏe trẻ em cho biết, khi trẻ lên ba tuổi, bạn có thể cho trẻ làm quen với xe đạp, và phải là xe đạp ba bánh. Khi trẻ 3 tuổi, đây là giai đoạn đang trong quá trình hoàn thiện trí não và kỹ năng vận động, chạy xe đạp giúp trẻ tập giữ thăng bằng và làm quen với những động tác mới như đạp, thắng. Xe đạp còn là phương pháp tăng tính năng động cho những trẻ thừa cân, ít vận động.
Khi trẻ lên 4 tuổi, bạn có thể cho trẻ làm quen với xe đạp hai bánh. Ở độ tuổi lên bốn, trẻ bắt đầu ý thức hơn về hành động và từng thao tác của mình. Do đó, cho trẻ tập đi xe đạp hai bánh ở lứa tuổi này là phù hợp nhất vì trong khi tập đi xe, trẻ sẽ học được một số kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Tuy nhiên, lúc này trẻ chưa biết cách giữ thăng bằng tốt, vì thế bạn nên chọn loại xe đơn giản, dành cho trẻ dưới năm tuổi. Xe loại này thường có thêm hai bánh nhỏ phụ, có tác dụng giữ cho xe không ngã khi trẻ chưa quen điều khiển đôi tay và chân một cách thuần thục, nhịp nhàng. Trong gian đoạn này, bố mẹ vẫn phải theo sát con mình, để tránh những trường hợp té ngã bất ngờ cúa trẻ.
Chạy xe đạp là cách thức tuyệt vời để trẻ bước đầu tiếp xúc với các hoạt động thể chất, là thời gian hít thở không khí trong lành (Ảnh: Internet)
Khi lên năm tuổi, trẻ có thể tự đi xe đạp. Khi trẻ bước sang tuổi thứ 5, trẻ đã sẵn sàng chuyển từ xe đạp 3 bánh sang xe đạp 2 bánh. Từ 5 tuổi trở đi, sự phối hợp giữa các cơ khớp và độ mềm dẻo của cơ thế trẻ phát triển tương đối nhanh. Độ tập trung, ghi nhớ, năng lực tư duy và điều khiển hành vi cũng đều được nâng cao một cách rõ rệt. Trẻ sẽ hình thành ý thức tự giác để giữ thăng bằng cũng như giữ an toàn cho mình. Trong độ tuổi này, bạn có thể cho trẻ chơi với các bạn, trẻ có thể học được nhiều điều bổ ích từ các bạn đồng trang lứa.
Những lưu ý dành cho bậc cha mẹ
Hãy lựa chon xe đạp phù hợp với chiều cao của trẻ, trẻ ngồi trên yên phải đặt được chân bằng dưới đất, tay lái không cao hơn vai. Hạn chế dùng tay lái ngang bất lợi cho cột sống. Không chọn xe quá lớn để trừ hao đến khi trẻ lớn hơn. Trẻ mới tập chạy nên chọn xe có hai bánh phụ giữ vững hai bên, nhưng siết chặt ốc vít và tránh đường gồ ghề hay có các bậc dốc, sử dụng loại có chắn bảo vệ sên.
Chọn quần áo màu sáng hoặc phản quang, nhẹ và thoáng mát. Không cho trẻ mặc quần rộng hay đầm váy lòe xòe vì dễ vướng vào dây sên. Nếu trẻ đeo balô cần thu gọn dây đai, tránh mắc vào căm xe. Nên cho trẻ mang giày để bám tốt vào bàn đạp.
Tập cho trẻ thói quen đội nón bảo hiểm ngay từ lúc mới tập chạy xe, đặc biệt với trẻ dưới 6 tuổi chưa hoàn thiện tốt các phản xạ. Mũ bảo hiểm sẽ bảo vệ đầu của bé khỏi những chấn thương. Những nghiên cứu đã chứng minh rằng mũ bảo hiểm làm giảm mức độ tổn thương đầu cho trẻ lên đến 85%. Trên thị trường hiện nay có bán rất nhiều loại mũ bảo hiểm rất thời trang nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho các trẻ. Bạn hãy chọn nón màu sáng dễ nhận biết, thông hơi tốt, chất lượng đảm bảo và vừa vặn với đầu. Chỉ cho trẻ cách cài chặt dây đeo và không đội gì khác bên dưới nón bảo hiểm. Lưu ý các nón đã bị va chạm mạnh sẽ giảm khả năng hấp thụ chấn động nên không còn an toàn. Những trẻ lớn hơn thường hiếu động cũng rất cần được băng bảo vệ thêm ở gối và khuỷu.
Không chạy xe nơi thiếu ánh sáng hay mờ tối; quan sát kỹ khi chuyển hướng, ra vào hẻm, lên xuống lề đường; không chạy quá gần xe hơi đang đậu hay cửa nhà vì có thể cửa mở bất ngờ; chạy xe một người dễ giữ thăng bằng hơn, không đeo tai nghe nhạc khi đang chạy, tránh chạy trên đường đông người qua lại hay có nhiều xe cơ giới... Tốt nhất tập ở sân bãi riêng, đường chạy, sân vận động hoặc công viên có lối chạy xe đạp.
Cha mẹ thường xuyên kiểm tra vỏ (lốp) bánh xe, tra dầu và chỉnh độ chùng dây sên cho phù hợp, kiểm tra các ốc vít, thay gôm thắng bị mòn... để bảo vệ an toàn cho trẻ. Không để xe ngoài trời mưa làm xe mau hư hỏng và hoen gỉ.
Cuối cùng, cách tốt nhất để giúp trẻ học cách chạy xe đạp an toàn là cha mẹ làm gương trong việc tuân thủ luật giao thông. Bạn có thể cùng đạp xe theo trẻ để hướng dẫn những điều an toàn.