Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN thống kê năm 2018 Việt Nam có 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 người tử vong do bệnh này.
Ảnh minh họa.
Toàn cầu hiện có khoảng 23 triệu người ung thư, trong đó mỗi năm có hơn 14 triệu người mắc mới và 8,2 triệu người tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư. Top một gồm 50 nước có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.
Việt Nam ở vị trí 78 trong số 172 quốc gia, vùng lãnh thổ được khảo sát về ung thư, tỷ lệ tử vong 110/100.000 người, bằng Phần Lan, Somalia, Turmenistan. Số ca mắc mới ung thư tăng từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến vượt qua mốc 190.000 vào năm 2020.
Ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, kế đó là dạ dày, gan, đại trực tràng. Ở nữ giới lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi.
Trung bình mỗi ngày Việt Nam có 315 người tử vong vì ung thư. Đa số người bệnh đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.
Theo PGS Đoàn Hữu Nghị - nguyên Phó Giám đốc BV K trung ương cho biết, hằng ngày các chất chúng ta cung cấp cho cơ thể chủ yếu qua đường ăn uống. Nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn, tồn dư hóa chất là nguyên nhân gây tồn tại chất độc trong cơ thể.
Ngoài ra, những thói quen như ăn mặn, ăn nhiều thịt đỏ, đồ ăn sẵn, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ chính cũng là nguyên nhân có thể gây nên ung thư.
Thịt đỏ
Thịt đỏ là những loại thịt gia súc, bao gồm thịt cơ bắp và nội tạng của lợn, bò, trâu, dê… Chúng được gọi như thế vì loại thịt này có màu đỏ sẫm. Nhiều nghiên cứu cho biết các loại thịt đỏ có tương đối nhiều chất béo bão hòa, có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Ăn thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư ruột nhưng không có nghĩa là tuyệt đối không được ăn. Cần ăn thịt đỏ với lượng phù hợp và phương pháp chế biến phù hợp.
Thịt chế biến sẵn
Các loại thịt chế biến sẵn đều phải trải qua các quá trình tẩm ướt, chế biến, sấy khô, hun khói… để tăng hương vị và thời gian sử dụng. Các chất béo trong thịt chế biến sẵn có thể là một trong những yếu tố gây ung thư đường ruột. Ngoài ra, các sản phẩm thịt chế biến như thịt xông khói, xúc xích, giăm bông, lạp xưởng được thêm muối và nitrite trong quá trình sản xuất.
Thịt nướng
Loại thịt này được nướng trên lửa, chất béo của thịt khi đó rơi xuống than củi đốt, tạo ra các chất gây ung thư hydrocarbon thơm đa vòng, chẳng hạn như benzopyrene. Các chất này tích tụ trong cơ thể có thể sẽ gây ung thư dạ dày, ung thư ruột…
Theo khuyến cáo, lượng benzopyrene trong cơ thể người không được vượt quá 10 microgam mỗi ngày. Vì vậy, những người thích ăn thịt nướng cần phải chú ý.