Hàng trăm người mù mắt vì bóc hành tím

Ngày 11/05/2015 11:12 AM (GMT+7)

Ở vựa hành tím lớn nhất cả nước – thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng, có rất nhiều người bị mù mắt sau quá trình bóc và gia công củ hành tím.

Báo Sức khỏe đời sống dẫn nguồn tin từ Hội Chữ thập đỏ thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cho biết khu vực thị xã Vĩnh Châu có hơn 1200 người mù. Trong đó không phải ai cũng bị dị tật bẩm sinh, nhiều người bị hỏng mắt khi bóc hành tím.

Trả lời báo Tuổi trẻ, ông Huỳnh Văn Hồng, Trưởng phòng Y tế thị xã Vĩnh Châu, khi bóc hành, hơi cay của củ hành xộc vào mắt, nhiều người dân lấy tay dụi gây viêm loét. Ông cũng cho biết số người trồng hành bị mù đang có dấu hiệu tăng nhưng chưa có thống kê đầy đủ.

Hàng trăm người mù mắt vì bóc hành tím - 1

Hàng trăm người ở Vĩnh Châu đã bị mù vì quá trình gia công hành tím.

Cũng theo phản ánh của báo Tuổi trẻ, người dân ở xã Hòa Lạc thuộc thị xã Vĩnh Châu cho biết: Hành tím là loại thực phẩm khó bảo quản. Thông thường chỉ để vài tuần là sẽ bị hỏng, bị côn trùng tấn công. Để bảo quản hành được lâu, người dân sử dụng phấn trộn.

Loại phấn trộn này có thành phần gồm bột đất sét và thuốc trừ sâu. Trước đây người dân dùng thuốc sâu DDT nhưng loại thuốc độc hại này hiện đã bị cấm nên người dân chuyển sang dùng thuốc Mipcin. Cứ một tấn hành thì trộn một bao bột đất sét khoảng 40 kg với 2 đến 4 kg thuốc trừ sâu Mipcin để làm phấn bảo quản hành.

Theo báo Sức khỏe đời sống, tuy ít độc hơn DDT nhưng thuốc trừ sâu Mipcin vẫn có chất độc methyl parathion gây hại cho thần kinh con người. Khi tiếp xúc với những vùng da nhạy cảm trên cơ thể như vùng da mỏng, mắt… thuôc có thể gây tác hại lớn.

Bên cạnh đó, nhiều người dân không chú trọng các biện pháp bảo hộ. Chẳng hạn khi trộn thuốc không đeo kính nên dễ bị bụi bẩn và bụi thuốc bay vào mắt.

Trả lời báo Người lao động, bác sĩ Trần Trường Giang, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khẳng định rằng bản thân hành tím không thể gây mù mắt cho người tiếp xúc mà những hóa chất bảo quản thường dùng làm phấn mới là thủ phạm.

Những người lao động lâu năm không mặc quần áo bảo hộ và đeo găng, thuốc có thể thấm vào da gây bệnh viêm da, cháy da và nếu kéo dài có thể dẫn đến ung thư da. Những người làm nghề bóc hành lâu năm, hít phải lượng phấn bảo quản lớn dễ bị tổn thương nội tạng, mang bệnh tật. Những phụ nữ đang mang thai nếu hít phải nhiều phấn bảo quản có thể gây hại đến thai nhi, trẻ sinh ra dễ ốm yếu, thậm chí dị tật.

Để bảo vệ sức khỏe người dân khỏi những ảnh hưởng xấu của phấn hành, trước khi có thể tìm ra những loại thuốc bảo hành mới, hiệu quả và an toàn hơn, người dân nên tự tìm cách bảo vệ mình khỏi tác hại của nó bằng các biện pháp bảo hộ. Hãy sử dụng quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, kính mắt trong mọi công đoạn.

Theo Trần Long (Đời sống & Pháp luật)
Nguồn:

Tin liên quan