Theo các bác sĩ, đậu mèo là cây mọc hoang, hạt của nó có thể trị được nhiều bệnh và giúp nam giới giữ phong độ chuyện chăn gối. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng sẽ gây ra nhiều phiền toái khó lường.
Các nước trên thế giới dùng làm thuốc giữ “phong độ” cho quý ông
Đậu mèo (còn gọi là đậu nhung, đậu ngứa, đậu biển, đậu mắt nai), có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng hiện nay được trồng và mọc hoang ở các vùng khí hậu nhiệt đới như Nhật Bản, Philipine, Lào, Campuchia và Việt Nam. Ở nước ta, loài thực vật này mọc hoang ở các tỉnh miền núi, thường mọc leo vào những cây cỏ hoặc cây bụi cao.
Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), bộ phận dùng để làm thuốc của cây đậu này là hạt. Khi trái chín, hái về bóc vỏ lấy hạt, phơi cho khô hoàn toàn, sau đó bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.
Ngoài làm thuốc, hạt đậu mèo còn được một số nơi sử dụng để nấu cháo, nấu xôi, làm tương, làm nhân bánh hoặc làm thức ăn cho vật nuôi.
Đậu mèo là loại cây mọc hoang. Ảnh minh họa.
Theo y học cổ truyền, hạt đậu mèo có vị ngọt, tính ôn, tác dụng chỉ tả và giáng khí (trị các chứng ho, suyễn, nấc cụt, nôn). Vì vậy, hạt của cây đậu này được dùng để chữa đau bụng, lỵ mãn tính, rắn cắn và nhiễm giun sán.
Y học hiện đại cũng cho biết hạt đậu mèo chứa các thành phần như: lecithin, axit gallic, phốt pho, canxi, protein, sắt, magie… nên nó được dùng điều trị một số bệnh trên. Hạt của loại cây này còn chứa hoạt chất L-dopa có tác dụng kích thích hoạt động tình dục và tăng sản sinh dopamin ở não bộ. Vì điều này, từ lâu, các nước Ấn Độ, Brazil, Nepal đã sử dụng hạt đậu mèo để làm thuốc kích dục. Ngoài ra ở Nepal, người dân còn dùng hạt đậu mèo trộn vào thức ăn của trâu để làm tăng khả năng sinh sản của chúng.
Bác sĩ Hoàng Sầm, Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam cho biết một nghiên cứu được thực hiện trên 4 nhóm chuột bạch già và trẻ đã cho ăn bột đậu mèo liều 200mg/kg trong 60 ngày. Kết quả cho thấy, cả 4 nhóm chuột đáp ứng tình dục tăng dần theo thời gian thí nghiệm. Đặc biệt, ở nhóm chuột già tuổi từ 24-28 tháng đáp ứng tốt hơn nhóm chuột trẻ.
Hạt cây đậu có nhiều tác dụng nhưng khi dùng cần thận trọng. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Hoàng Sầm còn cho biết, người dân Ấn Độ đã dùng hạt đậu mèo để bảo tồn năng lực tình dục cho người cao tuổi hơn 3000 năm qua. Ngoài ra, trong loại đậu này còn chứa dopamine và serotonin nên còn dùng trong cả việc khắc phục xuất tinh sớm.
Dùng cẩn thận kẻo rước họa
Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, hạt đậu mèo tốt nhưng khi dùng cần lưu ý những điều sau:
- Lông của trái đậu mèo có thể gây ngứa da, nên cẩn thận khi đến gần và sử dụng loại đậu này. Sử dụng đậu mèo có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, chướng bụng, mất ngủ, nhức đầu, nhịp tim nhanh… Tiếp xúc da với dược liệu có thể gây sưng tấy, nóng rát và ngứa ngáy.
- Hoạt chất L-dopa trong hạt đậu mèo có thể tăng nguy cơ chảy máu ở người bị viêm loét dạ dày. Ngoài ra, hoạt chất này cũng có thể làm tăng sản sinh melanin - yếu tố làm nghiêm trọng bệnh ung thư da. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, những người mắc bệnh tim mạch cần tránh sử dụng hoặc nếu dùng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Lông của trái đậu mèo có thể gây ngứa da. Ảnh minh họa.
- Hạt đậu mèo có độc tính, vì vậy cần cẩn trọng khi áp dụng bài thuốc từ dược liệu này.
- Một số bằng chứng cho thấy, đậu mèo có tác dụng hạ đường huyết. Vì vậy bệnh nhân tiểu đường hoặc đường huyết thấp nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Ngoài ra, cần tránh sử dụng hạt đậu mèo với những loại thuốc sau:
- Thuốc trị bệnh huyết áp (Guanethidine): Sử dụng đồng thời với dược liệu có thể làm tăng tác dụng hạ áp và khiến huyết áp giảm thấp đột ngột.
- Thuốc điều trị rối loạn tâm thần (Maois): Dùng kết hợp với đậu mèo có thể làm tăng nguy cơ phát sinh các tác dụng phụ như động kinh, huyết áp cao, nhịp tim nhanh, lo lắng...
- Thuốc trị bệnh tiểu đường: Điều trị phối hợp đậu mèo có thể tăng tác dụng hạ đường huyết. Vì vậy cần hiệu chỉnh liều lượng thuốc và dược liệu để tránh hạ đường huyết quá mức.
- Thuốc chống loạn thần: Hoạt chất trong dược liệu có thể làm tăng dopamine trong não bộ. Vì vậy sử dụng với thuốc chống loạn thần có thể làm giảm tác dụng điều trị của thuốc.