Khi tới viện, bệnh nhi đã suy hô hấp, co giật, xuất tiết nhiều đờm dãi. Bố mẹ cho biết, em từng thường xuyên chơi với chó mèo và một tháng trước, chó của gia đình chết không rõ nguyên nhân.
Ngày 21/3, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, đơn vị này gần đây tiếp nhận 2 bệnh nhi đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch nghi do chó dại cắn.
Cuối tháng 2/2023, bé Hải, 3,5 tuổi ở huyện Quế Phong xuất hiện nôn nhiều, nôn tự nhiên kèm co giật. Trẻ được gia đình đưa tới Trung tâm y tế huyện, sau đó nhanh chóng chuyển tới Bệnh viện Sản nhi Nghệ An điều trị trong tình trạng suy hô hấp, co giật kéo dài, xuất tiết nhiều đờm dãi, sợ gió, sợ nước.
Tại khoa cấp cứu, các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp nghi ngờ bệnh dại. Qua khai thác tiền sử, trẻ thường xuyên tiếp xúc với chó mèo và trước khi nhập viện một tháng, gia đình có một con chó chết không rõ nguyên nhân. Sau khi vào bệnh viện, dù được các bác sĩ cứu chữa tận tình nhưng bé Trung không qua khỏi.
Sau đó không lâu, ngày 10/3, Bệnh viện tiếp tục tiếp nhận bệnh nhi Minh Đức (9 tuổi, ở huyện Tân Kỳ) nhập viện với chẩn đoán bị bệnh dại. Tương tự như bé Hải, trước đó, bé Đức đã không được tiêm phòng vắc xin dại sau khi tiếp xúc động vật bị bệnh. Rất đau lòng khi bệnh dại đã lên cơn, bé không còn cơ hội cứu chữa.
Tiến sĩ, bác sĩ nội trú Trần Văn Cương - Phó giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm - viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, vết thương, vết liếm ở da bị tổn thương của động vật mắc bệnh (thường là chó, mèo). Việc gia đình nuôi con vật trong nhà (nhất là con vật chưa được tiêm phòng) và để trẻ thường xuyên tiếp xúc với chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Do thời gian ủ bệnh dại khá dài (từ 2 tới 8 tuần, có thể kéo dài đến 1 năm) nên nhiều cha mẹ thường không để ý đến những tổn thương trên cơ thể trẻ. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người.
Dại khi đã lên cơn thì tỷ lệ tử vong là gần 100%. Cho tới nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi bị chó, mèo cắn, cào, cần sơ cứu vết thương đúng cách. Hiện nay, tiêm vắc-xin phòng dại vẫn là biện pháp duy nhất và hiệu quả để phòng ngừa bệnh dại cho người bị chó cắn.
Bệnh viện Sản nhi Nghệ An hướng dẫn, khi bị chó, mèo cắn, cào, người bệnh cần bình tĩnh thực hiện các việc sau:
+ Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
+ Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
+ Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
+ Đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
- Những trường hợp sau cần phải tiêm đồng thời cả vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại:
Khi chó cắn nghi ngờ là chó dại hoặc đang lên cơn dại.
Có nhiều vết cắn nguy hiểm, vết cắn sâu.
Có vết cắn (dù là nhẹ) tại bộ phận sinh dục và những nơi có nhiều dây thần kinh như đầu, mặt, cổ, đầu chi.
*Tên bệnh nhi trong bài đã được thay đổi