Hiện bé gái bị chó tấn công đã được chuyển xuống Hà Nội điều trị và tiếp tục theo dõi, đáng nói con chó cắn bé gái chưa được tiêm phòng dại.
Ngày 28/3, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một bé gái bị chó thả rông tấn công khiến cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ. Theo đó, đang từ một bé đáng yêu và xinh xắn, sau khi bị chó dữ tấn công, bé gái đã bị nhiều vết thương trên cơ thể. Được biết sự việc trên xảy ra chiều ngày 27/3, tại Hà Giang. Nạn nhân là bé tên H.A, 5 tuổi.
Theo đó, chiều 27/3, khi bé A đang chơi với bạn gần nhà thì bị chó thả rông (chưa được tiêm phòng dại) bất ngờ lao ra tấn công, cắn tới tấp vào vùng vai, cánh tay và môi. Bị tấn công bất ngờ, bé A khóc kêu cứu, mọi người xung quanh sau đó hỗ trợ giải cứu cháu bé. Tuy nhiên, cháu bé vẫn bị thương ở nhiều vùng trên cơ thể.
Ngay sau đó, bé gái được sơ cấp cứu và tiêm huyết thanh, tiêm vắc xin phòng dại tại bệnh viện địa phương. Ngày 28/3, bé H.A được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Bé gái đang được chăm sóc và điều trị tại BV Nhi Trung ương.
Khi vào khoa cấp cứu, BV Nhi Trung ương, bé gái tỉnh táo, chơi ngoan, các vấn đề hô hấp và huyết động ổn định. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định trẻ có tổn thương xây xát nông lẫn vài điểm vết thương nhỏ sâu vùng cánh tay, vai, cạnh mắt và vùng môi trên bên phải.
Hiện bé A đang được các bác sĩ truyền dịch, dùng kháng sinh để dự phòng nhiễm trùng, giảm đau và tiến hành phẫu thuật để cắt lọc làm sạch các vết thương. Đồng thời, bệnh nhi được tiêm phòng các vắc xin phòng dại theo kế hoạch và theo dõi tiếp theo để phát hiện kịp thời các biến chứng sau chó cắn.
Để phòng tránh nguy cơ chó, mèo cắn, các bác sĩ BV Nhi Trung ương khuyến cáo:
- Khi nuôi chó, mèo, người nuôi cần phải tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông vật nuôi, chó ra đường, nếu dắt chó, vật nuôi ra đường phải được đeo rọ mõm.
- Trẻ không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
- Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý tránh để trẻ chơi với chó lạ hay chó, mèo có kích thước lớn, dữ tợn.
- Nên cho trẻ vui chơi ở những địa điểm an toàn, có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ và người lớn.
- Khi trẻ bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn hoặc gây tổn thương, cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn dự phòng
- Tuân thủ các biện pháp dự phòng để có hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt lưu ý với những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ.
- Dự phòng dại bằng huyết thanh và vắc xin là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.