Câu chuyện được cô giáo Dương Mẫn chia sẻ về cậu sinh viên, cách đây 1 năm sau khi bị chó cắn, nhưng vì hoàn cảnh nên cậu đã không đi tiêm phòng vắc-xin bệnh dại, cuối cùng cậu đã qua đời.
Lưu Hiển Phi, 21 tuổi, là sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành trang trí và thiết kế nội thất tại trường Cao đẳng nghề và kỹ thuật công nghiệp nhẹ Bao Đầu (Trung Quốc). Vào tối ngày 15/7/2018, giáo viên chủ nhiệm Dương Mẫn nhận được tin nhắn từ Lưu Hiển Phi: "Thưa cô, em hơi khó chịu. Ngày mai em xin nghỉ để đến bệnh viện khám bệnh". Giáo viên Dương Mẫn nhanh chóng đồng ý và khuyên cậu nghỉ ngơi sớm.
Chàng sinh viên Lưu Hiển Phi 21 tuổi
Chiều ngày 16/7, Lưu Hiển Phi đang ở Khoa cấp cứu của Bệnh viện liên kết thứ 2 Bao Đầu, cậu gọi điện cho cô Dương Mẫn. Dương Mẫn kể lại: "Cậu ấy gọi cho tôi và nói rằng cậu ấy rất khó chịu, sau khi cúp máy tôi đã đến Bệnh viện liên kết thứ hai cùng Tiểu Lưu làm kiểm tra. Lần kiểm tra này không tìm thấy sự bất thường, do đó tôi đã thuê một phòng gần bệnh viện cho Lưu Hiển Phi ở lại cùng với 3 bạn sinh viên, để chuẩn bị cho cuộc kiểm tra ngày hôm sau”.
Vào sáng ngày 17/7, người bạn cùng lớp với Lưu Hiển Phi đã gọi cho cô Dương Mẫn và nói rằng các triệu chứng của Lưu Hiển Phi không nhẹ, mà còn bắt đầu nôn mửa và chảy nước dãi. Dương Mẫn sau đó đã liên lạc với cha mẹ của Lưu Hiển Phi ở Thông Liêu. Sau khi tham khảo ý kiến, cô quyết định đưa Lưu Hiển Phi đi thay đổi bệnh viện, chuyển đến Bệnh viện Trung tâm thành phố Bao Đầu.
Lưu Hiển Phi bị chó cắn vào ngón tay cái
Sau khi biết về tình trạng của Lưu Hiểu Phi, bác sĩ hỏi gần đây cậu có bị con vật gì cắn không. Do Lưu Hiển Phi rất khó chịu, cậu phải suy nghĩ rất lâu mới nhớ ra, vào một ngày cuối tháng 6, Lưu Hiển Phi đang buộc dây giày ở bên đường trên đường đi học. Có một con chó nhỏ chạy tới, anh dùng tay đuổi con chó nhỏ đi, ngón tay cái của Tiểu Lưu bị kéo vào răng của con chó con, bị xước da nhưng không chảy máu.
Sau khi bị chó cắn, Lưu Hiển Phi đã không tiêm phòng vắc-xin bệnh dại
Vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt nghèo khó, Lưu Hiển Phi không sẵn sàng chi hàng trăm vạn để tiêm vắc-xin bệnh dại, cũng không nói với cha mẹ để tránh họ phải lo lắng, đồng thời cũng vì nghĩ vết thương không có chảy máu nên cũng không nghiêm trọng. Tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Trung tâm Bao Đầu, bác sĩ đã xem xét tình trạng của Lưu Hiển Phi và ban đầu nghi ngờ các triệu chứng của bệnh dại.
Vào tối ngày 17/7, Lưu Hiển Phi trong phòng bệnh bắt đầu xuất hiện những triệu chứng gân xanh lộ rõ, tính cách nóng nảy, không ngừng gào thét, còn xé rách tấm trải giường. Sau khi bình tĩnh lại, Lưu Hiển Phi dùng điện thoại di động để kiểm tra thông tin về bệnh dại trên Internet. Cậu lo lắng bản thân sẽ làm người khác tổn thương khi phát bệnh, do đó Lưu Hiển Phi đã ngồi thu mình trên giường bệnh và bảo mọi người ra ngoài.
Bác sĩ Mao Hồng, trưởng Khoa truyền nhiễm nói: “Tiểu Lưu biết rằng, căn bệnh của mình không thể chữa khỏi, nên cậu nói chỉ muốn gặp lại cha mình sau khi rời thế giới này”. Vào lúc 10 giờ ngày 18/7, cha của Lưu Hiển Phi cuối cùng đã gặp được cậu con trai của mình. Khi nhìn thấy con trai, người đàn ông có nước da ngăm đen đã khóc và ôm chầm lấy con, luôn miệng nói: “Đừng sợ, đã có bố bên cạnh con, bệnh này có thể chữa được”.
Người cha có thể cảm nhận rõ ràng được rằng, Lưu Hiển Phi đã kiềm chế bản thân để không gào thét, vật lộn. Người cha biết, con trai mình muốn nằm im trong lòng cha vào giây phút cuối cùng của cuộc đời. Vào lúc 10h50 ngày 18/7, Lưu Hiển Phi người đang nằm trong vòng tay của cha mình đã bắt đầu lên cơn sốc, bác sĩ đã cố gắng hết sức để cấp cứu, tuy nhiên Lưu Hiển Phi đã ra đi mãi mãi.
Phòng ngừa mắc bệnh dại khi bị chó cắn?
Bác sĩ Mao Hồng nhắc nhở: Mọi người không nên cố tình trêu chọc các loài động vật như chó, mèo để tránh bị cắn trầy xước hoặc chảy máu. Tỷ lệ mắc bệnh của một người bị chó cắn là 15% -20% và không có hại nếu bị chó khỏe cắn. Do đó, những người thích thú cưng phải tiêm phòng cho chó và mèo.
Tiêm vắc-xin bệnh dại là cách phòng tránh tốt nhất.
Đánh giá từ các trường hợp bệnh dại hiện nay cho thấy, thời gian ủ bệnh của hầu hết các trường hợp là dưới nửa năm, thường là từ nửa tháng đến ba tháng. Sau khi khởi phát, vết cắn sẽ bất thường, tiếp theo là sợ nước, sợ gió, co giật, tê liệt, hôn mê và cuối cùng là tử vong. Khi bị mắc bệnh dại, tiến trình phát triển rất nhanh, hầu hết mọi người đều chết trong vòng 3 đến 5 ngày.
Các chuyên gia nhắc nhở: Khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn... Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng.