Khi nhập viện, thể trạng của T. đã suy kiệt, khối u đã di căn sang nhiều bộ phận khác vì thế không thể can thiệp được gì, mà chỉ chăm sóc giảm đau.
Những ngày vừa qua, thông tin một cô gái xinh đẹp mới 26 tuổi (ở Hải Phòng) qua đời vì mắc căn bệnh ung thư ung thư dạ dày khiến không ít người nuối tiếc.
T. phát hiện ra căn bệnh này cách đây chỉ hơn 1 năm và đã từng phải phẫu thuật cắt bỏ ¾ dạ dày. Tuy nhiên, sau 1 năm chống chọi, khối ung thư đã di căn sang nhiều bộ phận khác.
Được biết, nơi cuối cùng cô gái trẻ tên T. điều trị, đó là Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây, dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức để có thể giành giật lại sự sống cho T., nhưng do tiến triển bệnh quá nặng, nên T. đã tử vong sau 3 tuần nhập viện.
Những ngày nằm viện T. đau nhiều phải tiêm morphine giảm đau.
BS Nguyễn Thanh Hùng, người trực tiếp điều trị cho T. cho biết, trước đây cô gái trẻ này từng được phẫu thuật và điều trị căn bệnh ung thư dạ dày. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, T. thuê nhà ở Hà Nội và sống một mình, không cho bố mẹ đến thăm, thậm chí biết trong người có bệnh nhưng không đi khám định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ, mà tự uống thuốc ở nhà.
Cho tới thời gian gần đây, T. sức khỏe ngày một yếu đi, da vàng… nên những người xung quanh động viên T. vào Bệnh viện Bạch Mai thăm khám.
BS Hùng cho biết, khi vào viện T. có biểu hiện đau nhiều và thể trạng yếu, da vàng và cơ thể suy kiệt. Do bệnh quá nặng, nên các bác sĩ đã yêu cầu T. phải gọi người nhà lên trao đổi. Đồng thời, T. được các bác sĩ đưa đi chụp chiếu để đánh giá mức độ bệnh.
Sau khi chụp chiếu, các bác sĩ phát hiện khối u từ dạ dày đã di căn ra nhiều bộ phận khác, hạch xuất hiện ở toàn ổ bụng, chèn ép gây tắc mật. Không chỉ có vậy, T. còn bị thiếu máu, rối loạn đông máu.
Với tình trạng bệnh như vậy, BS Hùng đã chỉ định truyền máu và truyền yếu tố đông máu cho T., đồng thời dẫn lưu mật để kéo dài sự sống. Bởi, nếu chậm trễ sẽ gây tắc mật, dẫn đến hôn mê gan.
“Do thể trạng yếu, bệnh tình rất nặng nên chúng tôi không thể can thiệp được gì cho T., các bác sĩ chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ nhằm kéo dài sự sống, với hy vọng còn nước còn tát.
Trong thời gian ở viện, T. phải dùng morphine để tiêm, vì các thuốc giảm đau thông thường không còn tác dụng. Sau 3 tuần điều trị, do bệnh quá nặng nên gia đình đã xin cho T. về vào ngày 18/9”, BS Hùng chia sẻ.
Theo bác sĩ trực tiếp điều trị, đây là trường hợp rất đáng tiếc, vì T. tuổi còn rất trẻ. Hơn nữa, nếu T. được điều trị bài bản ngay từ đầu thì cơ hội sống chắc chắn vẫn còn.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu không may mắc bệnh. Trong trường hợp đã mắc bệnh, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ điều trị.