Kể từ khi dịch COVID-19 có ca lây nhiễm trong cộng đồng (25/7), Bộ Y tế cùng các chuyên gia liên tục hội chẩn quốc gia để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân nặng.
Theo nhận định của các chuyên gia, đợt dịch COVID-19 lần này lây nhiễm trong cộng đồng dù thời gian ngắn nhưng số ca tăng nhanh, đặc biệt số ca nặng cũng nhiều hơn so với đợt trước.
Theo đó, tính từ ngày 25/7 đến nay đã ghi nhận gần 100 ca mắc COVID-19, trong đó có nhiều ca nặng được ghi nhận như ca bệnh 416, 418, 428, 436, 437, 438, 449. Trong đó, đến nay có 2 ca phải chạy ECMO 416 và 437. Ca bệnh 418 cũng đang trong tình trạng nặng và nhiều khả năng sẽ phải đặt ECMO (máy chạy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể).
TS Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, tại bệnh viện đang điều trị cho 19 bệnh nhân (BN), trong đó 2 BN nặng phải sử dụng ECMO, 2 BN thở máy; BN 428 suy thận nặng, thở máy, vừa hồi sức cấp cứu tích cực, hiện các thông số tạm ổn.
2 bệnh nhân đang chạy ECMO hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Ngày 30/7/2020, bệnh viện đã làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế để chuyển thêm 5 bệnh nhân thận nhân tạo đến Bệnh viện Trung ương Huế. Tại bệnh viện Trung ương Huế, 3 bệnh nhân nặng đang phải thở máy là 436, 438, 418 vẫn đang nặng và được theo sát sao, liên tục.
Đối với bệnh nhân 416, ca đầu tiên mắc COVID-19 trong cộng đồng trong đợt này, các chuyên gia nhận định có diễn biến rất nhanh và phải đặt ECMO từ ngày 25/7. Hiện bệnh nhân vẫn đang được điều trị, hỗ trợ tích cực của các chuyên gia từ BV Chợ Rẫy, Bạch Mai và tổ Điều trị do ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh là tổ trước. Đến nay, bệnh nhân dù còn rất nặng, nhưng tình trạng đã khá hơn, giảm các triệu chứng.
Bệnh nhân được đánh giá là nặng nhất hiện nay là ca 437. Đây là bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, gout, suy tim, trước đó có diễn biến phù phổi cấp, suy thận, chạy thận chu kỳ 2,...
Bệnh nhân hiện đã được đặt ECMO, thở máy. Các thầy thuốc tập trung hội chẩn, có ý kiến tăng cường điều trị đa kháng thuốc, thận, chống nấm, chống đông... PGS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - Phó trưởng Tiểu ban Điều trị thông tin, hiện các chuyên gia tăng cường hội chẩn liên tục từng giờ. “Bệnh nhân 437 tiên lượng rất nặng, nặng nhất, rất dè dặt", PGS Khuê nói.
Tính đến ngày 30/7/2020, Việt Nam có thêm một số ca bệnh nặng đang điều trị tại các bệnh viện Đà Nẵng, đặc biệt là các bệnh nhân tiên lượng rất nặng: BN 416, BN 418, BN 428, BN 431, BN 436, BN 437, BN 438; một số bệnh nhân tiên lượng nặng lên như BN 429, BN 426, BN 427, BN 430, BN 422, BN 433... Đa phần trong số đó là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các cơ sở y tế tập trung nguồn lực, dốc sức điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 nhưng phải chú trọng bảo vệ nhân viên y tế.
"Cuộc chiến phòng, chống COVID-19 còn dài, phía trước còn rất nhiều thách thức. Do đó, trước tiên, chúng ta phải bảo vệ các y bác sĩ và nhân viên y tế để có người điều trị cho bệnh nhân. Các bệnh viện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù chỉ một phút trong điều trị COVID-19 vì căn bệnh này rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể diễn biến xấu rất nhanh. Chúng ta phải nỗ lực cao nhất, giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong của bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và rất nặng", PGS Khuê nói.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh hiện điều trị 2 ca dương tính (BN 449, BN 450); hiện BN 449 trong tình trạng nặng do nhiễm trùng phổi, tiền sử cao huyết áp, sử dụng Corticoid trong thời gian dài; đến ngày 30/7/2020 BN 449 đã hết sốt và ổn định hơn.
Báo cáo về tình hình đón bệnh nhân từ Guinea Xích đạo, TS. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện có 125 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 6 bệnh nhân có tổn thương phổi, 3/6 bệnh nhân này đồng nhiễm sốt rét và ký sinh trùng cần theo dõi sát sao.