Đối với những phụ nữ mang thai lần đầu muộn, không lập gia đình sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
Ung thư vú đang là căn bệnh có số lượng phụ nữ mắc nhiều nhất ở Việt Nam, tuy nhiên nhiều chị em vẫn còn có những hiểu lầm về căn bệnh này, từ đó việc phòng và phát hiện sớm bệnh gặp không ít khó khăn.
Chuyên gia chỉ ra những nguyên nhân có thể gây ra bệnh ung thư vú
Theo đó, nhiều người cho rằng ung thư vú có nguyên nhân mắc bệnh từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày, cũng như việc làm đẹp của chị em. Điển hình như việc bơm chất làm đầy, tạo hình vòng 1, nhuộm tóc, mặc áo ngực chật, phụ nữ ngực to... sẽ gây ung thư vú.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện chưa có nghiên cứu chỉ ra ung thư vú liên quan đến việc mặc áo ngực hay tạo hình vòng 1...
PGS.TS Phạm Cẩm Phương tuyên truyền về việc phòng và điều trị ung thư vú.
“Tính đến thời điểm hiện tại, chưa thể khẳng định 100% nguyên nhân mắc bệnh ung thư vú. Các nghiên cứu chỉ đưa ra những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú”, PGS Cẩm Phương chia sẻ.
Theo phân tích của chuyên gia này, một số thói quen xấu sinh hoạt hàng ngày như lười vận động, hút thuốc lá, ăn uống không khoa học (ăn nhiều đồ ăn nhanh, đồ ăn không đảm bảm an toàn vệ sinh thực phẩm) làm tăng nguy cơ mắc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng.
Ngoài những thói quen trong sinh hoạt, PGS Phạm Cẩm Phương cũng cảnh báo những phụ nữ độc thân, chị em sinh đẻ sau tuổi 30, mãn kinh sau 55 tuổi... có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn. Nguyên nhân là do có sự ảnh hưởng và thay đổi nội tiết tố nữ trong cơ thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Mang thai muộn cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Một vấn đề nữa PGS Cẩm Phương cũng nhấn mạnh thêm, đó là những phụ nữ không nuôi con hoặc không cho con bú cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Theo các chuyên gia, hàm lượng hormone cao nhằm duy trì sự tiết sữa có ảnh hưởng tới sự tăng trưởng tế bào, bảo vệ vú khỏi những thay đổi có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư. Thực tế, phụ nữ thường không rụng trứng trong quá trình sản xuất sữa, điều này được hiểu là để bảo vệ bà mẹ khỏi ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Trong số các yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư vú, PGS Cẩm Phương cho rằng có yếu tố cảnh báo ngay từ khi còn là bé gái. Theo đó, những trẻ gái có kinh nguyệt sớm trước 12 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với các trẻ dậy thì sau 12 tuổi.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đang thăm khám cho một trẻ dậy thì sớm trước 12 tuổi.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Cambridge cho thấy, nếu trẻ dậy thì sớm hơn bình thường một năm thì nguy cơ phát triển ung thư vú tăng 6%. Điều đó có nghĩa, một bé gái bắt đầu dậy thì khi 10 tuổi sẽ có nguy cơ ung thư vú cao hơn 12% so với một bé gái bắt đầu dậy thì vào độ tuổi 12.
Cuối cùng, PGS Phương cho rằng, trong cuộc sống hàng ngày cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, tránh những yếu tố có thể gây nên ung thư vú như: béo phì, hút thuốc lá chủ động và thụ động. Ngoài ra, chị em không nên mang thai muộn hoặc không mang thai, không cho con bú tự nhiên, hạn chế sử dụng thuốc tránh thai cũng như các chế phẩm có nội tiết.