Loại cá được bán rất nhiều trong ngày vía Thần Tài khá phổ biến tại Việt Nam. Đặc biệt, đó không chỉ là lễ vật dâng cúng mà còn là món ăn, vị thuộc tốt cho sức khỏe.
Trong ngày vía Thần Tài (10 tháng Giêng), ngoài việc mua vàng lấy may, người dân miền Nam thường sử dụng cá lóc (cá quả) nướng trui để làm lễ vật cúng Thần Tài. Theo quan niệm xưa, cúng cá lóc nướng ngày vía Thần tài sẽ đem đến nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Cá lóc nướng dùng để cúng ngày vía Thần Tài phải nguyên con, không cạo vảy, không cắt vây và đuôi. Khi đem đi nướng trui, cần dùng mía chẻ xiên thẳng qua miệng cá để định hình con cá được thẳng.
Nhiều người cho rằng tục cúng cá lóc nướng bắt nguồn từ nét văn hóa gắn liền với sông nước, kênh rạch của vùng Nam Bộ. Với sức sống mãnh liệt và khả năng sinh tồn trong nhiều điều kiện khác nhau, cá lóc còn tượng trưng cho nỗ lực và sự thành công.
Cá lóc là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng Thần Tài của người dân miền Nam. (Ảnh minh họa)
Ngoài là lễ vật cúng trong ngày vía Thần Tài, cá lóc còn là thực phẩm được nhiều nhiều người Việt sử dụng trong đời sống hàng ngày. Loại cá này chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt đây còn là bài thuốc được sử dụng nhiều để hỗ trợ điều trị bệnh, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Trong 100g thịt cá lóc cung cấp 100KCal, cung cấp nhiều dưỡng chất như canxi, phốt pho, protid, lipid, sắt và một số chất khác. Nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng cho biết, trong đông y, cá lóc có vị ngọt, tính bình, không độc, tác dụng kiện tỳ, lợi thuỷ, khứ ứ sinh tân, tiêu viêm, khu phong thanh nhiệt. Dùng cho các trường hợp đau khớp, phong thấp, phù nề, lở ngứa, trẻ em ăn kém, chậm tiêu, trĩ.
Ngoài ra, cá lóc - hay còn gọi là cá quả - còn tốt cho phụ nữ ít sữa, bồi bổ cho người mới khỏi bệnh vì dễ hấp thu. Theo ẩm thực dưỡng sinh, cá quả cho tác dụng cao nhất vào mùa hạ để trừ thấp nhiệt do mùa này sinh ra. Đặc biệt theo sách Thần Nông bản thảo thì cá lóc được xếp vào hàng thượng phẩm.
Cá lóc không chỉ có giá trị tâm linh mà còn có thể giúp hỗ trợ điều trị nhiều bệnh. (Ảnh minh họa)
Ngoài có thể làm món ăn quen thuộc như kho, nướng trui, chiên, hấp, luộc… cá lóc còn là món ăn dưỡng sinh, phòng bệnh tim mạch, chống lại quá trình ô xy hóa. Với những tác dụng như vậy, lương y Bùi Đắc Sáng tư vấn, cá lóc còn được kết hợp để làm vị thuốc chữa bệnh trong đông y, mọi người có thể tham khảo và thực hiện. Cụ thể:
- Thanh nhiệt, điều trị nóng trong: 1 con cá lóc, 50g đậu đỏ, 30g bí đao. Sau khi cho bí đao vào bụng cá và nấu với đậu đỏ 30 phút, lấy ra và dùng ngày 2 lần, ăn cả cái lẫn nước.
- Chữa phù thũng ở trẻ nhỏ bằng canh cá lá dâu: Thịt cá lóc 100g, lá bìm bìm non 50g, lá dâu non cho lên nấu nhừ. Cho trẻ em ăn trong ngày, ăn 3 - 5 ngày đến khi trẻ đi tiểu được và mặt hết phù thì thôi. Bài thuốc này giúp chữa phù thũng ở trẻ nhỏ.
- Bổ não, tăng trí nhớ, chữa các bệnh đau đầu, hay quên: Đầu cá lóc rửa sạch, vắt chanh để ráo ướp gừng, xì dầu, tương hột, tiêu bột. Hấp cách thủy 2 tiếng. Khi đầu cá chín rắc hành, mùi, gừng thái chỉ lên trên và dùng khi nóng.
- Bồi bổ cho người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em suy nhược, gầy yếu chán ăn: Cá lóc làm sạch vảy, bỏ ruột, đầu đuôi cắt khúc, cho mắm muối, bột tiêu, gừng đập giập, không cho hành và mỳ chính, thêm chút nước sôi kho chín, đem gỡ bỏ xương, giã thành ruốc, thêm muối tiêu và chút bột gừng lượng thích hợp; rang khô lại trên chảo, để nguội cho vào lọ sạch đậy nắp kín. Sử dụng ăn kèm với cơm trong các bữa ăn theo từng đợt 5-7 ngày.
- Chữa nhọt trong tai với cá lóc ninh đậu phụ: Thịt cá lóc 250g, cá mực 200g, đậu phụ 50g, trám muối (thanh quả) 4 quả. Cá lóc, cá mực làm sạch cho vào nồi cùng trám muối; ninh nhừ, cho đậu phụ vào đun sôi là được. Ăn cả nước lẫn cái, ăn trong ngày. Dùng tốt cho trường hợp có nhọt trong tai.