Hiện nay, nhiều người mới 30 tuổi, 40 tuổi đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng tiền mãn kinh nên rất lo lắng. Vấn đề này sẽ được bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Hà Nội) tư vấn.
Chuyên khoa: Sản phụ khoa
Nơi công tác: Viện Sức khỏe sinh sản
Năm nay tôi 40 tuổi, làm nhân viên văn phòng. Trước đây, chu kỳ kinh nguyệt của tôi 28-30 ngày, độ dài một chu kỳ là 5-7 ngày. Mấy tháng nay, “ngày đèn đỏ” của tôi không thay đổi, nhưng chỉ có 3 ngày là hết, lượng máu ra cũng ít. Cùng với đó, tôi bị rụng tóc nhiều, hay cáu gắt với chồng con một cách vô cớ.
Tình trạng của tôi như vậy có phải là bị tiền mãn kinh không thưa bác sĩ? Theo bác sĩ, có cách nào để tuổi mãn kinh lâu đến hơn không?
Tiền mãn kinh là giai đoạn hoạt động của buồng trứng bắt đầu suy giảm và có những triệu chứng trước khi chuyển sang mãn kinh hoàn toàn. Giai đoạn này bắt đầu ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Trước đây, tuổi trung bình rơi vào khoảng 45-55 tuổi. Nhưng hiện nay, có nhiều trường hợp xảy ra ở tuổi ít hơn, thường là 40 tuổi, thậm chí có người bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu ở tuổi mới 30.
Dấu hiệu nhận thấy rõ nhất của tình trạng này là kỳ kinh có thể trở nên bất thường như: kéo dài hơn, ngắn hơn, lượng máu ra nhiều hơn hoặc ít hơn. Chu kỳ đôi khi dài hơn hay ít hơn 28 ngày. Cùng với đó, các chị em sẽ gặp các triệu chứng rụng tóc, khó ngủ, khô âm đạo, giao hợp đau và thường xuyên nóng ran, cáu gắt vô lý…
Trường hợp của bạn, nếu chiếu theo các dấu hiệu trên thì đang trong giai đoạn tiền mãn kinh. Tuy nhiên, tiền mãn kinh là một quá trình – một sự chuyển đổi dần dần. Để biết chính xác, bạn nên đi khám, làm xét nghiệm để kiểm tra hàm lượng hormone ở các cơ sở y tế uy tín, từ đó mới biết chính xác và có phương pháp khắc phục phù hợp.
Để có thể giảm một số triệu chứng của tiền mãn kinh, việc lựa chọn lối sống lành mạnh nhằm thúc đẩy sức khỏe của mình tốt lên là bí quyết đang được nhiều người áp dụng. Bạn có thể thực hiện theo các cách sau:
- Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt. Khi phụ nữ bước vào tuổi tiền mãn kinh, nguy cơ loãng xương và bệnh tim tăng lên. Vì vậy, việc cung cấp cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh quan trọng hơn bao giờ hết. Ngoài cung cấp tinh bột, chất đạm, chất béo, bạn nên ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc sẽ rất tốt. Ngoài ra, bạn nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu canxi hoặc viên bổ sung canxi, cung cấp vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi và chống lại sự mất xương. Đặc biệt, bạn nên tránh sử dụng các chất kích thích: rượu, bia, cà phê… vì các đồ uống này có thể gây nóng cho cơ thể.
- Tập thể dục thường xuyên. Hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ giúp đốt cháy năng lượng dư thừa, mà còn giúp ngăn ngừa tăng cân, cải thiện giấc ngủ, tăng cường xương và nâng cao tâm trạng. Bạn nên cố gắng tập thể dục trong 30 phút hoặc nhiều hơn hầu hết các ngày trong tuần để rèn luyện sức khỏe. Ở tuổi 40, bạn nên áp dụng các môn đi bộ, đạp xe đạp, tập yoga... sẽ rất phù hợp.
- Giảm căng thẳng. Việc vận động thường xuyên cũng là cách giảm căng thẳng. Ngoài ra, bạn có thể tự tạo cho mình một cuộc sống vui vẻ bằng cách tham gia các hoạt động xã hội, cùng chồng con đi du lịch, khám phá thế giới xung quanh, thậm chí xem một bộ phim, đọc sách, nấu ăn, trồng cây, chăm sóc vườn và động vật... cũng là một cách giúp cuộc sống thêm vui vẻ.
Tin liên quan
Sau khi sinh con đầu lòng, vợ chồng chị Hoa thực hiện kế hoạch hóa đến 5 năm sau mới có ý định sinh em bé, thế nhưng bất ngờ đã xảy ra khi...
Do môi trường sống gần nguồn nước bẩn hoặc bùn đất mà nhiều loại rau củ dễ bị nhiễm ký sinh trùng. Khi không được chế biến, bảo quản đúng...
Sau một thời gian mang thai, nhận được sự quan tâm chăm sóc của các bác sĩ, cô L. đã sinh con ở tuổi 60, chồng cô năm nay cũng đã 68 tuổi.
Trong thời kỳ mãn kinh, các chị em cần ăn những loại thực phẩm nhiều dưỡng chất và protein. Đặc biệt ở giai đoạn này, cơ thể rất thiếu hụt...
Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe phụ nữ
Chị em tuổi mãn kinh nên tìm hiểu những nguyên nhân cụ thể ảnh hưởng tới ham muốn tình dục và tự điều chỉnh bản thân để thay đổi mọi thứ theo chiều hướng tốt đẹp hơn.