Ở Bệnh viện K, mỗi năm chỉ có khoảng 30 ca ung thư dạ dày phát hiện sớm trong tổng số hàng nghìn ca, tỷ lệ này theo Giám đốc Bệnh viện K là vô cùng thấp.
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp. Theo GLOBOCAN (ghi nhận ung thư thế giới), năm 2012 có khoảng 952.000 ca ung thư dạ dày mới mắc, đứng thứ 5 trong các bệnh ung thư hay gặp (sau ung thư phổi, vú, đại trực tràng, tiền liệt tuyến).
Ca mổ được truyền hình trực tiếp từ phòng mổ đến hội trường hội thảo.
Ca mổ được truyền hình trực tiếp từ phòng mổ đến hội trường hội thảo.Số liệu tại Mỹ ước tính năm 2017 nước Mỹ có khoảng 28.000 ca ung thư dạ dày mới mắc và khoảng 10.960 ca tử vong do bệnh này. Điều trị ung thư dạ dày là điều trị đa mô thức: phẫu thuật, hoá chất, tia xạ, điều trị đích, trong đó phẫu thuật đã và đang đóng vai trò quan trọng nhất trong điều trị ung thư dạ dày.
Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm, không phải mổ mở, mổ nội soi thì tỷ lệ chữa khỏi đạt tới 100%. Tuy nhiên, việc phát hiện ung thư dạ dày sớm không dễ vì tâm lý lười đi khám bệnh định kỳ để sàng lọc ung thư sớm của đa số người dân. Ở Bệnh viện K, mỗi năm có khoảng 30 ca ung thư dạ dày phát hiện sớm trong tổng số hàng nghìn ca, tỷ lệ này theo TS Trần Văn Thuấn là vô cùng thấp.
Do đó, TS Thuấn khuyến cáo người dân hơn 40 tuổi hoặc gia đình có người nhà có tiền sử mắc ung thư, nên đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư sớm. Tuy nhiên, hiện nay, bảo hiểm y tế lại chưa chi trả cho sàng lọc ung thư sớm. Vì thế, TS Thuấn mong rằng trong tương lai gần, bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho khám sàng lọc phát hiện sớm cho tất cả các bệnh: Ung thư dạ dày, vú, cổ tử cung, tuyến tiền liệt, tuyến giáp… Bởi đây là những bệnh nếu được phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể chữa khỏi và điều trị đơn giản.
Tại hội thảo Những tiến bộ trong phẫu thuật nội soi cắt dạ dày - Nạo hạch D2 diễn ra ngày 4/7, tại Bệnh viện K cơ sở 3 (Tân Triều, Hà Nội), các chuyên gia đầu ngành về ung thư dạ dày như TS.BS Takahiro Kinoshita, Giám đốc phân viện phẫu thuật Dạ dày, bệnh viện Ung thư Quốc gia miền Đông, Chiba, Nhật Bản; ThS.BS Jaideepraj Rao, cố vấn, Trưởng bộ phận phẫu thuật ít xâm lấn và phẫu thuật đường tiêu hóa trên, Giám đốc Chương trình phẫu thuật giảm béo, khoa phẫu thuật Bệnh viện Tan Tock Seng, Singapore và các chuyên gia Việt Nam đã tổ chức mổ trình diễn phẫu thuật nội soi cắt dạ dày - nạo hạch D2 cho người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện K.
Ca mổ được truyền hình trực tiếp từ phòng mổ đến hội trường hội thảo và các chuyên gia cùng trao đổi, bàn luận các chuyên đề: Thực trạng phẫu thuật nội noi ung thư dạ dày tại Nhật Bản; Tạo miệng nối trong phẫu thuật nội soi cắt dạ dày bằng dụng cụ khâu cắt nối bằng ghim; Xử lý các tình huống khó trong phẫu thuật nội soi ung thư dạ dày; Tiếp cận điều trị hỗ trợ trước phẫu thuật ung thư dạ dày…
Phẫu thuật ung thư dạ dày cũng có hai phương pháp chính: mổ mở truyền thống và phẫu thuật nội soi. Trong đó, phẫu thuật nội soi có các ưu điểm vượt trội là mổ sang chấn tối thiểu, giảm đau sau mổ tốt và bệnh nhân hồi phục nhanh hơn nhưng vẫn bảo đảm kết quả về mặt ung thư học.
Tại Việt Nam phẫu thuật nội soi ung thư dạ dày cũng được phát triển vào những năm 2010 tại các bệnh viện lớn. Bệnh viện K đã triển khai một cách thường quy mổ nội soi ung thư dạ dày kết hợp với các phương pháp điều trị đa mô thức hoàn chỉnh. Phương pháp này được sử dụng cho các bệnh nhân được phát hiện ung thư dạ dày từ giai đoạn một đến giai đoạn ba.
Giám đốc Bệnh viện K cho biết, tới đây, bệnh viện sẽ tổ chức chuyển giao kỹ thuật này cho các bệnh viện vệ tinh. Được biết, chi phí, máy cắt nối tiêu hoá dùng trong mổ nội soi ung thư dạ dày đã được bảo hiểm chi trả 100%.