Suốt một năm bị ngứa ngáy, nổi mề đay toàn thân nhưng không phát hiện bệnh, đến khi xuống Hà Nội thăm khám, người phụ nữ mới biết nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do thói quen ăn uống.
Một năm nay, bà Bùi Thị H (58 tuổi, ở Hòa Bình) phải sống chung với tình trạng ngứa ngáy, kèm theo đó là nổi mề đay toàn thân vô cùng khó chịu. Ban đầu bà H nghĩ do cơ địa dị ứng, tự tìm thuốc uống hoặc dùng lá cây để tắm nhưng chỉ đỡ được một thời gian, rồi lại tái phát. Mỗi lần tái phát tình trạng càng nặng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, sinh hoạt.
Gần đây, bà H xuống Hà Nội thăm khám, với hy vọng điều trị triệt để tình trạng mẩn ngứa. Qua khai thác tiền sử sinh hoạt và ăn uống cho thấy, người phụ nữ này thường xuyên ăn rau sống, một số món tái sống và đặc biệt yêu thích món nem chua nên ăn rất nhiều.
Với những thông tin trên, các bác sĩ đã cho làm xét nghiệm vì nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng, kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với ấu trùng giun đũa chó mèo. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến bà H bị ngứa ngáy, nổi mề đay khắp người gây khó chịu. Khi biết kết quả, bà H vô cùng bất ngờ vì không bao giờ nghĩ những món ăn thường ngày lại có nguy cơ gây bệnh.
PGS.TS Đỗ Ngọc Ánh, giảng viên chuyên ngành Nấm y học, Ký sinh trùng y học (Học viện Quân y) cho biết, trường hợp trên bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính, điều trị sẽ mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh.
Hình ảnh mề đay trên da bệnh nhân xuất hiện liên tục suốt một năm trời do ký sinh trùng gây ra. Ảnh: BSCC.
“Việc điều trị các bệnh ký sinh trùng nói chung và ban mề đay mạn tính do giun đũa chó mèo nói riêng đòi hỏi người bệnh cần có sự kiên trì và tuân thủ phác đồ được chỉ định. Bác sĩ không nên chỉ kê đơn thuốc mà còn cần tiến hành tư vấn để bệnh nhân có kiến thức về bệnh, an tâm và tuân thủ phác đồ điều trị”, bác sĩ Ánh cho hay.
Theo bác sĩ Ánh, sau khoảng 2 tháng điều trị, các nốt sần, ban mề đay của bệnh nhân không còn xuất hiện trên da, tình trạng ngứa cũng chấm dứt hoàn toàn. Bệnh nhân sau đó được tư vấn về dinh dưỡng, đặc biệt là thói quen ăn uống khoa học, nhằm tránh mắc các loại ký sinh trùng khác.
Bác sĩ Ánh cho biết, khi nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo các triệu chứng thường rất mờ nhạt, không đặc hiệu. Ở một số người có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, dị ứng, sẩn ngứa, mề đay, đau nhức cơ, đau cơ, ậm ạch, đầy bụng, khó tiêu… Ngoài gây ngứa, ấu trùng giun đũa chó mèo cũng có thể ký sinh, gây tổn thương ở gan, phổi, hệ thần kinh trung ương hay ở mắt.
“Do bệnh không có triệu chứng đặc hiệu nên rất dễ bị bỏ qua, vì thế khi có các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa, sẩn ngứa, mề đay, các biểu hiện của gan, phổi, não hoặc có yếu tố nguy cơ cao nên đi khám, làm xét nghiệm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh”, bác sĩ Ánh khuyên.
Nem chua cũng như các món tái sống được nhiều người ưa thích, nhưng đây là con đường đưa ký sinh trùng vào cơ thể nhanh nhất. Ảnh minh họa.
Vị chuyên gia này khuyến cáo thêm rằng, thói quen ăn uống không khoa học là con đường nhiễm ký sinh trùng nhanh nhất, trong đó có cả việc ăn rau sống, rau tái hay những món như thịt chua, nem chạo. Điển hình như thịt chua, đây là món ăn truyền thống, ướp thịt lợn tươi sống với thính gạo để lên men tự nhiên. Đây là món ăn khoái khẩu của nhiều người, nhưng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng là rất lớn.
Để phòng bệnh liên quan đến ký sinh trùng, PGS Ngọc Ánh cho biết, ăn chín - uống sôi là biện pháp phòng bệnh ít tốn kém và hiệu quả nhất. Ngoài ra, mọi người nên thực hiện một số biện pháp sau:
- Không nên đi chân đất, nên có phương tiện bảo hộ lao động như giày, ủng, găng tay khi làm việc trực tiếp với đất.
- Tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng/lần hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Giữ vệ sinh môi trường, xử lý phân, chất thải đúng cách, không phóng uế bừa bãi.
- Nâng cao sức đề kháng cơ thể: chế độ ăn uống, tập thể dục thể thao hàng ngày.
- Rửa tay trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh.
- Khi nghi ngờ bị nhiễm ký sinh trùng, nên đi khám để được xét nghiệm và chẩn đoán chính xác.