Ra máu vùng kín sau 7 năm mãn kinh, người phụ nữ ở Thanh Hoá mắc một căn bệnh nguy hiểm nhưng rất dễ gặp

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 10/08/2024 11:05 AM (GMT+7)

Sau 7 năm mãn kinh, người phụ nữ thấy có những dấu hiệu bất thường nên đi khám, kết quả phát hiện mắc ung thư giai đoạn 3.

Bà N.T.V (63 tuổi, ở Thanh Hóa) đã mãn kinh được 7 năm, trong suốt thời gian đó bà thấy sức khỏe bình thường, nên không đi khám phụ khoa định kỳ. Hai tháng gần đây, bà V thấy âm đạo ra máu nhiều, màu đỏ thẫm, thi thoảng lẫn cả cục máu đông nhưng vẫn không đi khám. Bà nghĩ rằng, có thể do rối loạn nội tiết, có kinh trở lại nên tự theo dõi.

Trước khi vào viện, bà V xuất hiện tình trạng đau tức nhẹ vùng hạ vị, tuy nhiên lần này không ra máu âm đạo. Ngoài ra, bà không nôn, không sốt, không gầy sút cân, đại tiểu tiện bình thường. Khi chia sẻ thông tin trên với người thân, mọi người khuyên bà V nên đi kiểm tra sức khỏe, nhất là vùng phụ khoa vì đó là những dấu hiệu bất thường.

Trao đổi với bác sĩ, bà V cho biết từ trước đến nay sức khỏe bình thường, đã sinh con 3 lần và chưa từng đi khám phụ khoa, chưa tiêm vắc xin phòng virus HPV bao giờ. Bác sĩ chuyên khoa Phụ sản Nguyễn Thị Phượng thăm khám trực tiếp cho bà V nhận thấy, bệnh nhân có ít dịch âm đạo, không có máu, cổ tử cung sùi loét, khi chạm vào chảy nhiều máu.

Chị em tuyệt đối không chủ quan với dấu hiệu bất thường vùng kín, nhất là phụ nữ đã mãn kinh. Ảnh minh họa.

Chị em tuyệt đối không chủ quan với dấu hiệu bất thường vùng kín, nhất là phụ nữ đã mãn kinh. Ảnh minh họa.

“Qua thăm khám, bệnh nhân được theo dõi ung thư cổ tử cung, đồng thời chỉ định làm những xét nghiệm tầm soát ung thư cần thiết”, bác sĩ Phượng cho biết. Kết quả xét nghiệm chuyên sâu và sinh thiết cho thấy, bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào vảy (Squamous cell carcinoma), khi chụp cộng hưởng từ cho hình ảnh u cổ tử cung phát hiện khối u đã di căn, có hạch bó mạch chậu trong 2 bên.

Từ kết quả trên, bác sĩ Phượng kết luận, bệnh nhân V bị ung thư cổ tử cung giai đoạn IIIC, khối u xâm lấn đến thành bên khung chậu, tới 1/3 dưới âm đạo, xâm lấn niệu quản dẫn đến giãn đường tiết niệu cao. Bệnh nhân được tư vấn chuyển viện chuyên khoa ung bướu để điều trị.

Theo bác sĩ Phượng, hiện rất nhiều phụ nữ đã mãn kinh chủ quan, không đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, cũng như khám phụ khoa, khi có dấu hiệu bất thường mới đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Với phụ nữ đã mãn kinh, biểu hiện xuất huyết âm đạo rất đa dạng, với nhiều mức độ khác nhau, có thể lặp lại hoặc không và ít có triệu chứng đi kèm. Đôi khi tình trạng ra huyết chỉ xuất hiện 1 lần với lượng máu ít hoặc phớt hồng, rất dễ khiến người bệnh bỏ qua và bỏ sót bệnh lý.

Tuy nhiên, đây chính là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý phụ khoa chị em tuyệt đối không được bỏ qua. Bác sĩ Phượng khuyến cáo, khi có dấu hiệu trên, dù chỉ một lần cũng phải đi khám ngay lập tức để tầm soát các bệnh ung thư phụ khoa như ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng.

Để phòng bệnh ung thư cổ tử cung, chị em cần lưu ý 4 điều sau:

Đi sàng lọc thường xuyên: Nữ giới sau khi bước sang tuổi 18 nên tập cho mình thói quen đi kiểm tra sức khỏe mỗi năm từ 1-2 lần, để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.

Vệ sinh đồ lót đúng cách: Nên thay đồ lót mỗi ngày, sau đó, giặt sạch chúng bằng xà phòng chuyên dụng để loại bỏ vi khuẩn triệt để. Lưu ý rằng, không được giặt chung đồ lót cùng với những loại áo quần khác và hạn chế dùng máy giặt. Sau khi đã làm sạch, bạn nên phơi khô dưới ánh nắng mặt trời và thay đồ lót mới sau 3 tháng sử dụng.

Tích cực vận động: Việc ngồi lâu trong một thời gian dài có thể gây tắc nghẽn vùng chậu, làm suy yếu quá trình lưu thông máu ở ruột thừa và cổ tử cung. Từ đó gây ra các bệnh phụ khoa như phì đại cổ tử cung, viêm cổ tử cung, ung thư cổ tử cung… Do đó, nên tập thói quen thư giãn cơ thể sau mỗi giờ làm việc bằng cách đi lại.

Tiêm phòng virus HPV: Hãy tiêm vắc-xin phòng ngừa virus HPV càng sớm càng tốt, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh về cổ tử cung. Vì đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh về đường sinh dục như ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư cổ tử cung,…

12 thói quen dễ làm, giúp cải thiện mỡ máu, tim mạch nhưng ít người trẻ tuổi làm được
Mỡ máu cao âm thầm gây ra nhiều biến chứng cho sức khỏe như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc động mạch…. Theo các bác sĩ, ngoài uống thuốc thì thay đổi...

Thói quen có lợi

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ung thư