Người đàn ông Làng Nủ mong sớm xuất viện về làm đám tang cho vợ con

Ngày 14/09/2024 18:53 PM (GMT+7)

Mất cả vợ và 3 con sau vụ sạt lở kinh hoàng, một người dân tại thôn Làng Nủ (Lào Cai) chỉ mong sớm được xuất viện để trở về làm đám tang cho vợ con.

Ngày sau khi xảy ra các vụ sạt lở, lũ lụt do ảnh hưởng của bão số 3 tại một số tỉnh vùng núi phía Bắc, chị Vũ Bích Hồng (tỉnh Lai Châu) đã quyết định đến Lào Cai tìm cách hỗ trợ cho những người dân bị thiệt hại.

Chị Hồng cũng đã đến thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), nơi bị san phẳng do xảy ra sạt lở đất vào sáng sớm 10/9. Tại đây, đến 18h ngày 12/9, cơ quan chức năng đã tìm và xác định 45 người chết, 17 người bị thương.

Chị Bích Hồng chia sẻ: "Mình vừa từ thôn Làng Nủ trở về. Mất sóng, mất điện, mất người, mất nhà, mất tất cả mọi thứ. Nếu ai đó đi ngang qua thì không thể nghĩ rằng nơi này từng có người ở bởi bị san bằng tất cả, dòng suối thì đang chảy cuồn cuộn. Mấy ngày qua bà con mất sức, mất tinh thần, đói khát. Mình vào với bà con, mang được phần thức ăn nào cho bà con thì hay phần nấy. Nhìn cảnh vật tan hoang, bà con cơ cực mà không dừng được nước mắt".

Chị Bích Hồng đến thăm người dân thôn Làng Nủ đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên (Lào Cai).

Chị Bích Hồng đến thăm người dân thôn Làng Nủ đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên (Lào Cai).

Với mong muốn chia sẻ phần nào những khó khăn của người dân thôn Làng Nủ bị thương đang điều trị tại bệnh viện, chị Bích Hồng đã tìm đến tận Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên (Lào Cai) để thăm hỏi, động viên. Mỗi người đang điều trị tại đây là một hoàn cảnh khó khăn khác nhau khiến chị Hồng bật khóc.

Một người đàn ông thất thần đang nằm trên giường bệnh, anh là người còn sống duy nhất của một gia đình 5 thành viên, vợ và các con đều tử vong trong vụ sạt lở.

Người đàn ông này chia sẻ: "Con lớn của tôi năm nay khai giảng vào học lớp 9, con nhận được tin của nhà trường nghỉ học tránh bão. Khi xảy ra sạt lở, tôi bị cuốn trôi cả cây số từ đầu làng ra tới cuối làng, may là bám được vào một chỗ, được người dân kéo vào bờ".

Xúc động trước hoàn cảnh của người này, chị Hồng nghẹn ngào: "Tôi không biết phải động viên anh như thế nào khi trên khuôn mặt anh vẫn còn sự hốt hoảng, bàng hoàng. Tôi hỗ trợ anh một phần kinh phí, để lại cho anh mảnh giấy nhỏ, bảo với anh rằng khi nào ra viện cần hỗ trợ thì cứ gọi cho tôi. Anh bảo rằng anh không cần gì cho mình, khi nào được về nhà sẽ làm đám tang cho vợ và các con, lúc đó sẽ liên hệ nhờ tôi hỗ trợ".

Chia sẻ về hoạt động hỗ trợ không ngại rủi ro trước sạt lở, lũ lụt, chị Hồng cho biết: "Mình là con người mà, mình không biết vì sao mình lại xông xáo như thế này, nhưng có hàng nghìn người cũng đang làm như thế này. Mình làm được gì trong khả năng của mình thì mình làm. Nhiều người cũng đang nỗ lực hỗ trợ ở những nơi bị thiệt hại nặng nề dù quê nhà của họ cũng đang bị lũ lụt".

Người dân đến nơi bị sạt lở để tìm cách hỗ trợ bà con địa phương bị thiệt hại.

Người dân đến nơi bị sạt lở để tìm cách hỗ trợ bà con địa phương bị thiệt hại.

"Chúng ta hỗ trợ được những gì người dân đang cần thì đều thiết yếu và đáng quý. Những ai nói trên này không cần mì tôm, không cần bánh mì thì có phần không đúng đâu, bởi bà con vẫn đang cần vì bị lũ lụt, sạt lở chia cắt, chưa tiếp cận được nhiều phần hỗ trợ. Người dân đang cần rất nhiều thứ, làm sao mà chê được", chị Bích Hồng nhắn nhủ.

Vệ sinh giếng nước, bể chứa, xử lý môi trường sau lũ lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Bể chứa nước, giếng nước bị ảnh hưởng bởi bão và lũ lụt có khả năng chứa các vi sinh vật có hại, cần phải xử lý mới bảo đảm vệ sinh để sử dụng.

Tin tức 24h

Theo Xuân Dự
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h