Đắp lá, chườm lạnh, lăn trứng gà…đều là những phương pháp nguy hiểm khi dùng để chữa đau mắt, thậm chí còn có nguy cơ bị mù nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân tên Bàn Thị L. (ở Bình Gia, Lạng Sơn), khi nhập viện mắt trái người phụ nữ này sưng nề, khó mở, nhìn mờ, sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhiều…
Theo chia sẻ của người bệnh, trước khi nhập viện 2 tháng, bà L. thấy đau mắt nên lên rừng lấy lá thuốc theo lời truyền miệng để đắp vào mắt. Sau một thời gian điều trị bằng phương pháp đắp lá không khỏi, bà L. thấy tình trạng ngày càng nặng hơn nên đã đến bệnh viện cầu cứu bác sĩ.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán nữ bệnh nhân này bị viêm giác mạc mắt trái. Các bác sĩ cho biết, may mắn bệnh nhân đến viện kịp thời, nếu bệnh nhân tiếp tục tự ý đắp lá cây, sẽ dẫn đến nguy cơ thủng giác mạc, mất chức năng thị lực dẫn đến mù lòa.
Các bác sĩ cảnh báo tuyệt đối không đắp lá cây khi bị đau mắt.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, TS.BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, tình trạng bệnh nhân nhập viện vì điều trị theo các phương pháp dân gian, truyền miệng không hề hiếm gặp.
Thực tế, khi bị đau mắt (chủ yếu là viêm kết giác mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ), nhiều người hay sử dụng phương pháp đó là dùng lá trầu không đắp vào mắt, xông nước muối, chườm đá lạnh, pha mật ong… để chữa đau mắt.
Tuy nhiên, theo nhận định của TS Hoàng Cương tất cả những phương pháp trên đều không có cơ sở khoa học. Qua quá trình điều trị, chính TS Hoàng Cương cũng đã từng gặp trường hợp mắt đỏ như tiết lợn vì dùng lá trầu đắp lên mắt, chữa đau mắt đỏ.
Theo các bác sĩ tự ý sử dụng các loại thuốc chữa bệnh khi không có kiến thức và chỉ định của bác sĩ sẽ gây tổn hại sức khỏe, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng. Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, không nên sử dụng các loại thuốc tự chữa bệnh tại nhà mà không hiểu rõ tác dụng của thuốc.
BS Hoàng Cương cho rằng, khi người bệnh có triệu chứng như mắt nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều, sợ ánh sáng… nên đến khám bác sĩ để được khám và chẩn đoán đúng bệnh.
Trong trường hợp xung quanh có người bị đau mắt đỏ thì cần đề phòng cách tránh tiếp xúc qua đường hô hấp, rửa mắt bằng nước muối sinh lý mỗi ngày… Nếu đã bị viêm loét giác mạc, đau mắt đỏ… thì nên đến khám tại bệnh viện có đủ điều kiện về chẩn đoán, xét nghiệm để tìm đúng nguyên nhân gây bệnh, tránh tự ý mua thuốc nhỏ mắt về tra.