Nguy cơ nhiễm COVID-19 khi đi thang máy, đi lại ở chung cư, nhà cao tầng sao để tránh bệnh?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 21/08/2021 14:40 PM (GMT+7)

Tại các tòa nhà văn phòng, khu chung cư, nếu người dân không tuân thủ phòng dịch theo khuyến cáo thì nguy cơ lây nhiễm COVID-19 hoàn toàn có thể xảy ra.

Nguy cơ lây COVID-19 trong thang máy tăng lên nếu đi đông, nói chuyện ồn ào

Trong đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam, có nhiều khu chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng đã ghi nhận các ca mắc COVID-19. Mới đây nhất là tại chung cư HH4C tại khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội) đã ghi nhận hơn 30 ca dương tính.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất là việc sử dụng chung thang máy liệu có thể làm lây nhiễm COVID-19 từ người mang virus sang người lành? 

BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong thang máy là có và sẽ tăng lên nếu trong thang máy đông người, không đeo khẩu trang, nói chuyện ồn ào. 

Đi thang máy đông người, không tuân thủ phòng dịch sẽ có nguy cơ cao mắc COVID-19. (Ảnh minh họa)

Đi thang máy đông người, không tuân thủ phòng dịch sẽ có nguy cơ cao mắc COVID-19. (Ảnh minh họa)

BS Phúc dẫn một nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Kỹ thuật Minnesota, khi các nhà nghiên cứu đã mô hình hóa cách thức lây lan của COVID-19 trong thang máy. 

Theo đó, có những yếu tố tác động đến khả năng lây như mức độ thông gió, nơi người bị nhiễm bệnh đứng trong thang máy, hoặc thói quen nói chuyện ồn ào. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng nếu trong thang máy có bệnh nhân COVID-19 thải ra một lượng virus, thì mỗi phút sẽ có khoảng 22% virus được hút lên trần để thải ra ngoài, còn lại 78% vẫn bị luồng gió thổi xuống làm cho luẩn quẩn ở đó. 

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng bệnh nhân mắc COVID-19 không đeo khẩu trang, nếu im lặng thì hơi thở phát ra hàng chục ngàn giọt mỗi phút, còn nói chuyện tạo ra hàng trăm ngàn giọt mỗi phút, ho sẽ tạo ra hàng triệu giọt. Như vậy, nếu chúng ta ở trong thang máy cùng người bệnh mà không đeo khẩu trang, mỗi phút chúng ta có thể hít đến hàng vạn virus.

Do vậy, tại các tòa nhà cao tầng, khu chung cư cần xây dựng một quy tắc đi thang máy để mọi người cùng thực hiện. Trong đó, người đi thang máy cần đeo khẩu trang, vệ sinh tay, không nói chuyện, không đi đông - đứng giãn cách, hạn chế chạm vào bề mặt.

Dù vội cũng không vào thang máy ngay sau khi mở cửa

TS.BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết tại chung cư, ngoài vấn đề tiếp xúc trực tiếp thì các tay nắm cửa và cầu thang máy là vật trung gian có thể làm lây nhiễm COVID-19.

Không nên đi thang máy lúc đông người, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trong thang máy. (Ảnh minh họa)

Không nên đi thang máy lúc đông người, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trong thang máy. (Ảnh minh họa)

Đối với thang máy, TS Trương Hữu Khanh cho biết với diện tích nhỏ, nhiều người cùng đi không đảm bảo giãn cách, cùng với đó là thói quen hỏi thăm, nói chuyện trong thang máy chính là nguy cơ phát tán virus. 

“Khi thang máy mở cửa, có thể do đang vội nên nhiều người sẽ đi thẳng vào thang máy, người dân nên bỏ thói quen này. Mọi người nên chờ người bên trong ra hết, đứng cách xa cửa thang máy để quạt thông gió thổi khí ra ngoài rồi mới bước vào. Việc làm này giúp giảm lượng virus (nếu có) ở trong thang máy”, TS Trương Hữu Khanh chia sẻ.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết với tình hình diễn biến dịch như hiện nay, việc đi thang máy không đảm bảo an toàn và hoàn toàn có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Theo hướng dẫn của PGS Nga, người dân khi đi thang máy cần chú ý một số điểm sau để hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm bệnh:

- Giữ khoảng cách: Khi đi thang máy cần phải giữ khoảng cách giữa người với người. Khi thấy đông người thì không nên vào thang máy, có thể lựa chọn đợi thang sau hoặc đi thang bộ.

Không nên dùng tay trực tiếp bấm thang máy, mà có thể dùng tăm bông, chìa khóa. (Ảnh minh họa)

Không nên dùng tay trực tiếp bấm thang máy, mà có thể dùng tăm bông, chìa khóa. (Ảnh minh họa)

- Không tiếp xúc: Khi vào thang máy không nói chuyện với người khác, không tiếp xúc với các bề mặt như tay nắm, bấm số có thể dùng chìa khóa, hoặc chuẩn bị sẵn tăm bông dùng để bấm số rồi bỏ vào thùng rác theo quy định.

- Khử khuẩn: Nếu bấm thang máy có tiếp xúc trực tiếp từ bàn tay, cần khử khuẩn tay sau khi bấm bằng nước sát khuẩn hoặc rửa tay bằng xà phòng.

- Đeo khẩu trang chặt và kín: Do không gian kín, diện tích ít nên việc đeo khẩu trang khi đi thang máy là yêu cầu bắt buộc. Không chỉ vậy, cần đeo khẩu trang thật chặt để tránh giọt bắn chứa virus có thể xâm nhập vào. Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào khẩu trang, vì động tác sờ tay hay chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm virus.

- Che kín mũi, miệng khi ho: Trường hợp hắt hơi, ho không chỉ trong thang máy mà cả ngoài cộng đồng cũng phải che kín mũi, miệng bằng khuỷu tay áo hoặc khăn giấy. Sau đó rửa tay, sát khuẩn, vứt bỏ khăn giấy vào thùng rác theo quy định.

Hà Nội thêm 17 ca dương tính SARS-CoV-2, có trường hợp đi cùng thang máy, hành lang cũng bị lây
Trong số 17 ca dương tính mới ghi nhận ở Hà Nội, đáng chú ý có những trường hợp chỉ đi cùng thang máy chung cư, tiếp xúc ngoài hành lang cũng bị lây.

Dịch COVID-19

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19