Trước "Song Nhi", Việt – Đức, Long – Phụng, Cúc – An là tên của những cặp song sinh bị dính liền với nhau đã phẫu thuật tách rời thành công tại Việt Nam.
Hai bé gái dính nhau phần gan tại Quảng Nam.
Tách hai bé gái dính nhau phần gan
Tháng 8/2019, hai bé gái sinh đôi ở Quảng Nam chào đời lại ôm chặt lấy nhau do bị dính liền từ ức đến bụng dưới. Hai bé đều có các hệ tiêu hóa, hô hấp, tim mạch gần như độc lập nhưng lại dính nhau ở phần gan trái.
Sau thời gian nuôi dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe cho bé, sáng 2/10/2019, hai bé gái sơ sinh được Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đưa vào phòng mổ bóc tách phần bụng với ê-kíp gần 20 y, bác sĩ.
ThS.BS Đào Trung Hiếu – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, khó khăn nhất cho ca mổ là hai bé đều quá nhỏ, chỉ hơn 2 tháng tuổi nên gan rất dễ vỡ. Nếu cầm quá chặt hoặc sơ xuất nhỏ cũng khiến gan vỡ, chảy máu ồ ạt, nguy cơ tử vong cao. Khi bóc tách xong, bác sĩ phải lên phương án chọn và ghép da bụng, ngực cho cả hai bé suốt 6 tiếng mới thành công.
Hai bé gái dính nhau vùng cùng cụt.
Tách 2 bé gái sinh đôi dính liền phần mông
Ngày 24/7/2016, một gia đình người S'tiêng sinh hai bé gái sinh đôi dính liền phần mông, ở tư thế đối lưng, mặt hướng ra ngoài.
Đoạn xương cùng cụt của hai bé dính nhau với chiều dài khoảng 15cm, có nhiều nguy cơ bóc tách như nếu mở màng tủy, tách tủy nhưng đóng lại không kín thì khả năng 2 bé tử vong do xì dịch tủy, gây nhiễm trùng. Còn nếu tách đám thần kinh chùm rễ đuôi ngựa ở tủy có thể gây va chạm nhẹ, cũng khiến 2 bé bị liệt, nếu sống cũng rất khổ sở.
Ca mổ phải dời đi dời lại trong nhiều tháng liền bởi phương án chuẩn bị đầu tiên là đặt túi giãn da, giúp da nới rộng ra để có đủ da ghép bị thất bại liên tục. Cuối cùng, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 và 4 bệnh viện khác đã quyết định ghép vạt da cho các bé, dùng chính da của bệnh nhi để xoay kéo, giúp che được vết thương hở sau khi mổ, không để lộ các mô xương, màng tủy...
7h ngày 23/8/2017, hơn 20 bác sĩ đưa hai bé vào phòng mổ, bóc tách đến vị trí xương cùng, tiếp tục bóc tách vào đến túi thoát vị. Các bác sĩ dùng kính vi phẫu, mở màng cứng và tách tủy, tách các sợi thần kinh dính liền giữa 2 bé. Đến 18h30 cùng ngày, ca mổ thành công.
Cặp sinh đôi Long - Phụng.
Long - Phụng
Vào ngày 26/11/2013, Y học Việt Nam đã ghi nhận thêm một ca phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ca phẫu thuật tương đối phức tạp khi hai bé Phi Long – Phi Phụng bị dính liền ở tim và gan. Ca phẫu thuật kéo dài liên tục trong vòng 12 giờ đồng hồ.
Bé Long có sức khỏe tốt hơn nên quá trình phẫu thuật tiến hành rất suôn sẻ, riêng bé Phụng vì không có phần xương ức và mất rất nhiều da nên bác sĩ đã tạo phần xương nhân tạo và kéo da cho bé. Đây được xem là ca mổ tách song sinh dính liền nhau phức tạp nhất được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Tuy nhiên 3 tháng sau ca mổ, bé Phi Phụng chuyển nặng và tử vong.
Cặp sinh đôi Cúc - An.
Cúc – An
Tháng 12/2002, hai bé gái Thu Cúc – Thúy An (ở Thanh Hóa) vừa sinh ra đã bị dính nhau phần bụng, ngực, ức, chung khoang màng tim, chung nhau 1 gan, chung tá tràng và ruột non. Một năm sau, hơn 50 y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) và chuyên gia ghép gan của Mỹ lên phương án cho ca mổ kéo dài suốt 10 tiếng đồng hồ này. Gần 17h chiều 17/10/2003, lần đầu tiên sau hơn 10 tháng luôn dính chặt nhau, hai bé được ẵm ra hai giường, chính thức bắt đầu một cuộc đời mới, riêng rẽ, độc lập.
Ca mổ tách rời của hai bé Cúc – An được đánh giá là rất phức tạp vì hai bé có chung nhiều cơ quan nội tạng như gan, đường tiêu hóa, màng tim, cơ hoành, xương ức. Đặc biệt, bé An lại bị dị tật tim bẩm sinh, Cúc bị u máu ở cánh tay và ngực nên ca phẫu thuật càng trở nên khó khăn hơn.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiên đoán, nếu cứu sống cả hai khả năng thành công là 50 – 60%, nếu cứu sống một trong hai thì cơ hội khoảng 70%. Ca phẫu thuật đã thành công và hiện giờ, An – Cúc đã là hai thiếu nữ xinh xắn, học giỏi, khỏe mạnh.
Hai anh em Việt - Đức.
Việt – Đức
Nổi tiếng nhất có lẽ là cặp song sinh Việt – Đức (Hà Giang), khi vừa chào đời hai anh em đã bị dính liền ngực, bụng cùng bộ phận sinh dục và hậu môn. Sau đó, gia đình đã đưa hai bé đến Bệnh viện Việt – Đức (Hà Nội) để tiến hành phẫu thuật
Vào đầu năm 1988, sau một thời gian theo dõi, kiểm tra các bác sĩ tại Bệnh viện Việt – Đức đã quyết định tiến hành phẫu thuật tách rời hai bé. Đây cũng chính là ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh thành công đầu tiên tại Việt Nan. Và cũng chính là niềm tự hào của ngành Y học Việt, khi lần đầu tiên có đến hơn 70 bác sĩ đầu ngành cả trong và ngoài nước quy tụ và thực hiện phẫu thuật.
Tuy nhiên, sau cuộc phẫu thuật tách rời thành công, bé Việt đã rơi vào tình trạng sống thực vật, không còn ý thức như người em trai của mình. Sau đó, Việt bị hội chứng não cấp, hôn mê sâu và không lâu sau đó đã qua đời. Hiện tại, anh Đức vẫn đang sống khỏe mạnh và hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình tại TP.HCM.