Ung thư vú là một trong những căn bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Tại Việt Nam, trong tổng số 150.000 ca mắc ung thư mỗi năm, ung thư vú chiếm khoảng 10%, tức là khoảng15.000 người được phát hiện mắc ung thư vú.
Đây là thông tin được PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ về căn bệnh này. Theo đó, cứ 3 phút có 1 phụ nữ trên thế giới được chẩn đoán mắc ung thư vú. Bệnh có nhiều nguyên nhân gây nên như do di truyền hoặc do môi trường sống và thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, ung thư vú có tỉ lệ di truyền 10%. Vì vậy, nếu phụ nữ có mẹ hoặc chị em gái ung thư vú, sẽ có nguy cơ mắc tương tự cao gấp 4 đến 6 lần.
Bên cạnh đó, một trong những “thủ phạm” gây ra bệnh ung thư vú là thuốc lá. Kết quả nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cho thấy, hút thuốc lá cả chủ động và thụ động đều làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Cụ thể, với những người bắt đầu hút thuốc sớm và duy trì trong thời gian dài nguy cơ mắc ung thư vú tăng lên đến 35-50%.
Ung thư vú có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ảnh minh họa
Mặt khác, việc dùng thuốc tránh thai trên 5 năm cũng làm tăng khả năng mắc ung thư vú lên 1,5 lần. Nếu dùng trên 10 năm, nguy cơ mắc sẽ tăng lên gấp đôi.
Việc thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều cũng có mối tương quan đến căn bệnh ung thư vú. Theo đó, nếu ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày, nguy cơ nguy cơ phát triển ung thư vú tăng tới 50%. Vì vậy, phụ nữ thường xuyên làm việc quá khuya rất dễ bị ung thư vú. Ngược lại, ngủ nhiều hơn 9 tiếng/ngày, nguy cơ này cũng khá cao, chiếm tới 60%.
Tác nhân gây bệnh tiếp theo, đó là thói quen mặc áo ngực quá chật suốt 24h mỗi ngày. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, phụ nữ mặc áo ngực 24h mỗi ngày tăng khả năng phát triển ung thư vú khoảng 75% so với những người mặc áo ngực ít hơn 12h/ngày.
Ngoài ra,chế độ ăn nhiều chất béo, thiếu rau xanh, hoa quả tươi, thiếu iot, lối sống ít vận động, làm việc trong môi trường nhiễm phóng xạ cũng là nguyên nhân làm tăng khả năng mắc ung thư vú.
Các dấu hiệu thường gặp của ung thư vú:
- Đau tức vú
- Xuất hiện u cục tại vú
- Vú to lên bất thường
- Vùng da quanh đầu núm vú thay đổi (da co lại, sần sùi hoặc xuất hiện các mụn thịt nhỏ quanh đầu núm vú)
- Núm vú bị tụt sâu vào trong
- Tiết dịch bất thường ở vú
- Sưng hoặc có khối u, hạch ở nách
Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, hiện nay, có 3 phương pháp điều trị bệnh, đó là: phẫu thuật, xạ trị và dùng thuốc điều trị (hóa trị, nội tiết). Trong đó, điều trị nội tiết căn cứ vào tình trạng thụ thể, bệnh nhân còn kinh nguyệt hay không. Nếu mãn kinh, có thể dùng thuốc từ 5 đến 10 năm. Bệnh thường tái phát sau 2 năm. Nếu phát hiện sớm thì tái phát càng ít.
PGS.TS Trần Văn Thuấn khuyến cáo, ung thư vú hay các loại ung thư khác đều có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do đó, khi thấy dấu hiệu bất thường, nhất là đau ở vú, cần đi khám ở các cơ sở phòng chống ung thư và sản phụ khoa. Ở đó, các bác sĩ có thể khám, chụp tuyến vú, tế bào để xem khối u như thế nào để có phương pháp điều trị phù hợp.
Để phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư vú, cần có thói quen ăn uống và sinh hoạt điều độ. Tập thể dục thường xuyên; ăn ít chất béo; không dùng rượu, thuốc lá; không làm việc quá khuya; tránh mặc áo ngực 24/24h là những thói quen phụ nữ cần thực hiện để ngăn ngừa nguy cơ phát triển căn bệnh này.